Nước Anh đỉnh cao của quyền lực tài chính - phần 8

Chiến tranh Anh – Mỹ năm 1812: gia tộc Barings "ăn hai mang"

Năm 1806, cựu Phó Tổng thống Mỹ Aaron Burr bị buộc tội âm mưu phá hoại nước Mỹ, tất cả mọi người đều tin rằng ông muốn Mỹ tiếp tục bị đặt dưới quyền cai trị của Anh. Chỉ trong phút chốc, tâm lý thù địch của dân chúng hai nước bỗng dưng tăng vọt, và đám mây chiến tranh lơ lửng trên bầu trời hai bờ Đại Tây Dương. Ngoài ra, cuộc chiến giữa Anh và Pháp khiến Vương quốc Anh phải thực thi chính sách cấm biển nhằm phong tỏa đại lục châu Âu. Điều đó đã khiến thương mại giữa Anh và Pháp bị ảnh hưởng rất lớn. Hải quân của Anh còn thường xuyên tiến hành chấp pháp ở khu vực cách bờ biển Mỹ chỉ khoảng 3 dặm, đây là một hành động vi phạm trắng trợn lãnh hải của Anh. Phía Mỹ tìm đủ phương cách đàm phán, nhưng phía Anh vẫn một mực làm theo ý mình. Nguy cơ xung đột giữa hai nước lại càng tăng cao.

Một nguyên nhân khác dẫn đến cuộc xung đột này là vấn đề liên quan đến Ngân hàng Thương mại Thứ nhất (First Commercial Bank) của Mỹ. Đây là ngân hàng trung ương tư nhân đầu tiên ở Mỹ, thành lập năm 1791 và gia tộc Barings là một trong những cổ đông lớn của ngân hàng này. Thomas Welling là chủ tịch hội đồng quản trị của Ngân hàng Thứ nhất, ông và Barings đã là đối tác kinh doanh của nhau trong gần 30 năm.

Khi Chính phủ Mỹ cho phép thành lập Ngân hàng Thứ nhất năm 1791, thời gian hoạt động của nó là 20 năm, tức là hết hạn vào năm 1811. Ngay từ đầu, trong nội bộ Chính phủ Mỹ đã có một cuộc tranh luận gay gắt về việc thành lập Ngân hàng Thứ nhất, nhưng cuối cùng ý kiến của phe đối lập đã thắng thế. Ngày 3 tháng 3 năm 1811, Chính phủ Mỹ ngừng gia hạn cho Ngân hàng Thứ nhất, vậy là ngân hàng này chính thức đóng cửa. Đối với các chủ ngân hàng Anh đang năm 70% cổ phần kiểm soát tại Ngân hàng Thứ nhất rõ ràng là một cú sốc cực lớn. Lợi ích cốt lõi của các gia tộc như Barings và Rothschild bị thách thức nghiêm trọng.

Đối với gia tộc Barings, đây cũng là một cơ hội hiếm có. Ở đâu có chiến tranh, ở đó có cơ hội. Đặc biệt đối với các chủ ngân hàng như gia tộc Barings thì họ có thể ăn cả hai phía Anh và Mỹ. Chiến tranh nổ ra, việc phát hành nợ quốc gia của cả Anh và Mỹ chắc chắn sẽ tăng vọt. Thời điểm này, Barings thống trị nghiệp vụ bảo lãnh trái phiếu hai bờ Đại Tây Dương, nếu thương vụ này thực hiện trót lọt thì trong phút chốc họ sẽ đạt đến mức độ giàu có chưa tưng có. Đồng thời, chiến tranh nổ ra khiến cho nền kinh tế yếu kém của Mỹ buộc phải mắc nợ, do đó tăng thêm sự phụ thuộc vào gia tộc Barings trong vấn đề tài chính, không có tiền làm sao có thể tiến hành chiến tranh? Cuối cùng Chính phủ Mỹ phải chịu khuất phục trong vấn đề chính trị, đồng ý cho các ngân hàng tư nhân hoạt động dưới sự kiểm soát của các chủ ngân hàng Anh. Lúc này, Barings sẽ xuất hiện, đóng vai "người tốt", khuyên bảo hai bên, qua đó tạo mối quan hệ tốt đẹp với cả Anh và Mỹ.

Năm 1812, cuộc chiến Anh – Mỹ nổ ra. Tình hình không nằm ngoài dự liệu. Đến năm 1814, Mỹ đã phải gánh khoản nợ và trái phiếu chiến tranh trị giá 6 triệu đô-la, rao bán trên thị trường vào tháng 7 với mức chiết khấu rẻ đến mức thê thảm âm (80%). Vấn đề tài chính thu không đủ chi của Chính phủ không chỉ xảy ra trong năm đó, mà vấn đề kinh phí chiến tranh cho năm 1815 cũng chưa được giải quyết. Bộ trưởng Hải quân Mỹ William Jones phải thốt lên rằng: "Chúng ta buộc phải hành động khẩn trường và nhanh chóng! Nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt với một cục diện chưa từng có trong lịch sử, đó là duy trì lục quân và hải quân mà không cần tiền, không những vậy còn phải lao vào một cuộc chiến cực kỳ gian khổ". Vị Bộ trưởng Hải quân đáng thương này thậm chí phải đi lục lọi mọi ngóc ngách của kho bạc chẳng khác gì một gã ăn mày, cố gắng tìm ra số tiền để duy trì một số hoạt động phòng thủ quân sự cấp bách nhất. Việc chiêu mộ các thủy thủ của hải quân hoàn toàn bị đình trệ vì các thủy thủ nhất quyết không chịu lên tàu nếu như không có tiền.

Tình hình ở Bộ Chiến tranh cũng chẳng hề sáng sủa. Nhà máy quân sự Springfield đã hoàn toàn đóng cửa do thiếu vốn. Tiểu bàng Virginia "dân chủ nhất" tại Mỹ cũng xảy ra binh biến vì thiếu tiền và lương thực.

Bang New Hampshire cạn kiệt tiền mặt, phải chuyển đổi thành trái phiếu để phát cho những binh lính giải ngủ khiến cho họ cực kỳ căm phẫn Chính phủ. Quân đội ở các khu vực khác còn tuyên bố rằng nếu không thể cấp tiền lương cho họ kịp thời, họ sẽ chiếm trại quân đội và bán tài sản của Chính phủ với giá rẻ mạt. Thời gian nợ lương của binh sĩ đã lên tới 6 – 12 tháng, một số khu vực khác thậm chí còn dài hơn, ngay cả mức lương bèo bọt 30 đô-la/năm, các binh sĩ cũng chẳng nhận được. Ở nhiều khu vực xảy ra nạn đào ngũ số lượng lớn. Các sĩ quan không chỉ không có tiền để truy bắt binh lính đào ngũ, mà ngay cả việc phát tờ rơi tại địa phương nhằm vận động người dân trình báo binh lính đào ngũ cũng chẳng có kinh phí để tiến hành. Nhà tù quân sự ở New England bị giải tán vì không có tiền hoạt động, còn thuốc men và vật tư y tế trong các bệnh viện dã chiến ở New York đã cạn kiệt từ lâu. Các quan chức chính phủ và quan chức quân đội đôi khi còn phải đi vay tiền của những người khác để có chi phí cho các vấn đề thiết yếu.

Chiến tranh luôn là một cỗ máy ngốn tiền. Việc tiến hành một cuộc chiến lâu dài mà không có tiền quả là một ảo tưởng ngu muội. Xét từ một quan điểm khác, tiền là chủ nhân của chiến tranh. Nó vừa là mục tiêu của chiến tranh vừa là công cụ để kiểm soát chiến tranh. Hiểu rõ điều này nên các chủ ngân hàng quốc tế cực kỳ yêu thích chiến tranh. Họ không những có thể hưởng lợi rất nhiều mà còn kiểm soát chính phủ, kiểm soát chính sách sau chiến tranh và đạt được mục tiêu chiến lược là lợi nhuận lâu dài.

Với tư cách là một công dân Anh, Barings đương nhiên không thể công khai tài trợ cho Mỹ tại thị trường London, thế nhưng việc phát hành trái phiếu của Mỹ ở các thành phố khác của châu Âu thông qua những bên bảo lãnh phát hành là điều mà chẳng ai có thể quản được. Gia tộc Barings không chỉ chủ động lên kế hoạch trở lại thị trường Mỹ sau khi kết thúc chiến tranh, mà còn tiếp tục trả cổ tức cho các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu Mỹ trong thời chiến.

Tháng 7 năm 1813, Chính phủ Mỹ cử một phái đoàn đến châu Âu để đàm phán hòa bình với Anh. Người Mỹ nghĩ rằng Anh sẽ đánh giá cao việc Nga đứng ra làm trung gian hòa giải, thế nên đầu tiên họ đến St. Petersburg.

Con trai của Francis – Alexander Barings, xuất hiện rất đúng lúc nhằm "lấy lòng" cả hai phía chính phủ Anh – Mỹ. Ông đứng ra làm điều phối viên giữa người đứng đầu phái đoàn Mỹ, Gallantin và Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Castlereagh. Ông nói với người bạn Mỹ của mình rằng người Anh không bao giờ chào đón người Nga làm trung gian hòa giải, ông chỉ ra trong thư: "Trong các cuộc tranh chấp gia tộc, sự can thiệp của người ngoài chỉ khiến mọi việc càng thêm tiêu cực". Gallantin đến London vào tháng 3 năm 1814. Con trai ông – James phàn nàn rằng: "Tôi thấy London nhàm chán hơn nhiều so với Paris và St. Petersburg. Chúng tôi đang ở một nơi mà chúng tôi không được chào đón, chúng tôi nhận được rất nhiều lời mời, nhưng lần nào tham dự cũng cảm thấy gò bó. Nơi duy nhất khiến chúng tôi thực sự thoải mái và luôn chào đón chúng tôi là nhà của ngài Barings".

Ở một mức độ nào đó, chính nhờ cảm hứng "yêu chuộng hòa bình" lan tỏa từ gia tộc Barings mà đến năm 1815, Vương quốc Anh và Mỹ cũng đạt được thỏa thuận đình chiến. Barings và các chủ ngân hàng Anh khác đã thành công trong việc kiếm bội tiền. Chính phủ Mỹ chịu khuất phục trước sức ép từ các ngân hàng quốc tế, và họ hứa sẽ thành lập một ngân hàng trung ương tư nhân thứ hai vào tháng 12 năm 1815, lấy tên là Ngân hàng Thứ hai. Mong muốn của Barings đã trở thành hiện thực. Vài thập kỷ sau khi Chiến tranh Napoléon kết thúc, ông đã kiểm soát đường dây thương mại và tài chính xuyên Đại Tây Dương giữa Anh và Mỹ.

Trích "Chương 2, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét