Nước Anh đỉnh cao của quyền lực tài chính - phần 7

Huy động vốn Louisiana: điển phạm tài chính đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử

Sự kiện giúp cho gia tộc Barings vươn lên đỉnh cao trong ngành tài chính thế giới, không gì khác chính là thương vụ huy động vốn quy mô lớn giúp Chính phủ Mỹ mua lại Louisiana.

Khu vực Louisiana nằm giữa sông Mississippi và dãy núi Rocky, phía bắc giáp với Canada, phía nam kéo đến Vịnh Mexico, và có diện tích tương đương với diện tích của 13 tiểu bang ở Trung Tây nước Mỹ hiện nay. Trong lịch sử, Louisiana là thuộc địa của Pháp và nhượng lại cho Tây Ban Nha sau Chiến tranh Bảy năm. Năm 1800, Đế quốc Pháp dưới sự dẫn dắt của Napoléon đang trong thời thịnh trị, nên Tây Ban Nha bất đắt dĩ phải trả lại thuộc địa cho Pháp. Nghĩ đến việc một đội quân Pháp hùng mạnh sắp sửa xuất hiện ngay trước cửa nhà mình, Chính phủ Mỹ đứng ngồi không yên. Vương quốc Anh đề nghị với Mỹ rằng họ sẽ thôn tính thuộc địa này trước, và bàn giao lại cho Mỹ sau khi chiến tranh châu Âu lắng xuống. Đối với người Mỹ, đề xuất này thậm chí còn đáng sợ hơn việc quân đội Pháp sắp xuất hiện. Vì vậy, Tổng thống Jefferson đã cử một đặc phái viên đến Paris thăm dò thái độ của hoàng đế Napoléon, xem liệu ông có thể bán một phần Louisiana cho Mỹ hay không. Thật vui mừng khôn xiết là Napoléon có ý định bán toàn bộ thuộc địa Louisiana cho Mỹ. Vấn đề còn lại là việc thương lượng. Ban đầu, Pháp khăng khăng đòi 15 triệu đô-la, nhưng cuối cùng họ cũng đồng ý với mức giá 11,25 triệu đô-la.

Thực ra Napoléon cũng đang có chỗ khó nói. Khi đó, Napoléon phái 20.000 binh lính đi xâm chiếm Haiti nhưng kết cục thảm bại, và đang rất cần tiền để huy động một đội quân mới. Ngoài ra, Napoléon đã tính toán rằng, nếu Mỹ và Anh thành lập liên minh cùng chống lại Pháp, chắc chắn Anh sẽ tấn công khu vực Louisiana, thay vì để vùng đất đó rơi vào tay kẻ thù, tốt hơn hết là bán cho Mỹ. Hơn nữa nếu bán khu vực này, Pháp có thể giải tỏa nỗi lo về sau, dốc toàn lực để kiểm soát châu Âu. Tháng 4 năm 1803, Mỹ và Pháp ký hiệp ước hòa bình, theo đó Mỹ dễ dàng có được khoảng 2,6 triệu km2 đất (diện tích gấp 3,85 lần Pháp), với mức giá chưa tới 5 đô-la/km2.

Vấn đề bây giờ là: khoản tiền đó tìm ở đâu ra? Đáp án là "đã có sẵn". Ngay từ khi Pháp và Mỹ đàm phán số tiền giao dịch tại Paris, Alexander Barings đã xuất hiện với tư cách là đại diện của gia tộc Barings để điều phối. Chính nhờ nỗ lực của Alexander, Pháp đã đồng ý giảm giá giao dịch xuống còn 11,25 triệu đô-la. Kết thúc thỏa thuận, như một lẽ tất nhiên, Barings-Hope lại nhận nhiệm vụ huy động vốn và phát hành trái phiếu cho chính phủ Mỹ. Họ giúp chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu với lợi tức 5% trên thị trường châu Âu, trong đó gia tộc Hope chịu 40% và gia tộc Barings chịu 60%. Điều này có nghĩa là, liên minh tài chính Barings-Hope đã mua lại đất từ Pháp và sau đó bán lại cho chính phủ Mỹ.

Tháng 6 năm 1803, cuộc chiến tranh chống Pháp của Anh đã được tái khởi động, hai nước Anh – Pháp ở trong tình trạng đối đầu quân sự. Thủ tướng Addington không thể chịu đựng việc một ngân hàng Anh trả hàng triệu franc mỗi tháng cho kẻ thù của mình, gián tiếp giúp Napoléon chuẩn bị cho cuộc chiến. Do đó ông ép gia tộc Barings phải tạm đình chỉ thanh toán cho Pháp. Gia tộc Barings đã khéo léo né tránh rủi ro chính trị bằng một cách đơn giản là giao lại trách nhiệm thanh toán cho đồng minh của mình, gia tộc Hope ở Amsterdam.

Vào thời điểm này, việc liên lạc giữa gia tộc Barings và gia tộc Hope đã bị theo dõi, trong bức thư hồi đáp gia tộc Barings về việc yêu cầu ông đứng ra làm đại diện thanh toán cho chính phủ Pháp, ông đã nói rằng "Chúng tôi không phản đối lệnh cấm tiếp tục thanh toán cho Pháp, vì vậy chúng tôi không thể thực hiện theo yêu cầu của ngài (về việc làm đại diện thanh toán)". Ý kiến của hai bên có vẻ mâu thuẫn với nhau, nhưng trên thực tế, Barings biết rằng Hope chắc chắn sẽ trả tiền cho Pháp. Hope cũng biết chẳng qua Barings chỉ từ chối ngoài miệng như vậy thôi, tất cả chuyện này chỉ là một "màn diễn" cho chính phủ Anh xem. Cuối cùng, Hope và Barings kiếm được món hời lớn trị giá 3 triệu đô-la trong thương vụ mua Louisiana.

Trích "Chương 2, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét