Nước Đức cái nôi của các chủ ngân hàng quốc tế - phần 8

Breslauer: ngân hàng tư nhân của Bismarck

Gerson Breslauer vừa là chủ ngân hàng tư nhân của Bismarck – thủ tướng đầu tiên của Đế quốc Đức, vừa là một chủ ngân hàng của công chúng Đức. Ông thu được những thành quả to lớn bằng tài năng và sự kiên nhẫn của mình. Gia tộc Rothschild là một hình mẫu và liên minh bí mật của ông, nhưng thực tế ông là người đi theo con đường của riêng mình và khẳng định giá trị của chính mình.
- Fritz Stern –

Bismarck đến Frankfurt năm 1851 và nhanh chóng thu hút được sự chú ý của Amschel Rothschild – người đứng đầu gia tộc Rothschild ở Frankfurt. Amschel là anh cả của năm anh em nhà Rothschild và thời điểm đó, ông đã gần 80 tuổi. Bismarck hết sức ấn tượng với Amschel ngay lần đầu gặp mặt. Khi trở về nhà, ông thường xuyên bắt chước khẩu âm của Rothschild lúc trò chuyện với vợ mình, ông còn dùng ngữ pháp của người Do Thái để biểu đạt tiếng Đức. Ông ấn tượng mạnh mẽ đối với sự giàu có và quyền thế của gia tộc Rothschild, đồng thời cũng rất vui mừng khi được kết thân với gia tộc Rothschild.

Kể từ đó, chỉ cần gia tộc Rothschild có lời mời là ông luôn vui vẻ nhận lời. Ông từng miêu tả về Amschel: "Ông ấy là một người Do Thái già, với hàng tấn vàng bạc, rất nhiều đĩa và dao nĩa bằng vàng. Amschel không có con nên cho dù giàu có đến đâu, vẫn chẳng có người kế thừa. Ông ấy chẳng khác gì người đàn ông nghèo ở trong một cung điện xa xỉ. Có vô số người xung quanh đang cố sức lừa gạt và mưu đoạt tiền bạc của ông ấy. Những người thân thuộc thì cố bám lấy và tìm cách thừa hưởng gia sản của ông, và thực ra họ chẳng hề thật lòng yêu thường và biết ơn ông ấy".

Bismarck rất siêng năng và ham học hỏi, và ông cực kỳ khao khát quyền lực và trí tuệ. Dã tâm và tham vọng chính trị của ông nhanh chóng nhận được sự ưu ái của anh em Amschel và Carlmann Mayer. Gia tộc Rothschild đặc biệt thích bồi dưỡng những nhân vật tiềm năng trong lĩnh vực chính trị. Họ thường tự xưng mình là Bá Nhạc, người rất giỏi tìm kiếm Thiên lý mã của Trung Quốc. Xuyên suốt lịch sử châu Âu, gia tộc Roche đã lựa chọn và bồi dưỡng nhiều ngôi sao chính trị. Rothschild tin chắc rằng Bismarck sẽ là một mã cổ phiếu tiềm năng xứng đáng để đầu tư. Ngoài Bismarck, gia tộc Rothschild cũng lựa chọn cả Benjamin Disraeli, người trở thành thủ tướng Anh sau này. Gia tộc Rothschild tìm được chàng rể tài mạo song toàn là bá tước Rothbury. Khi còn trẻ thì Rothbury từng đặt ra ba nguyện vọng lớn trong đời mình đó là: chiến thắng trong cuộc đua ngựa Derby Race, lấy một người vợ siêu giàu và trở thành thủ tướng Anh, cuối cùng ông hoàn thành cả ba mục tiêu đó. Gia tộc Rothschild còn phát hiện và bồi dưỡng Churchill – vị thủ tướng nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử nước Anh. Đó đều là những nhân vật do gia tộc Rothschild phát hiện, bồi dưỡng một cách chu đáo và trở thành những chính trị gia tài ba, có ảnh hưởng đến lịch sử của thế giới.

Mặc dù Nathan Rothschild từng tuyên bố ông đã "kiểm soát quyền phân phối tiền tệ của Đế quốc Anh", nhưng giới quý tộc châu Âu cũ vẫn có tâm lý khinh miệt đối với giới "quý tộc mới nổi" như Rothschild và các chủ ngân hàng Do Thái khác. Thế nhưng trong tình huống như vậy giới quý tộc này buộc phải khuất phục trước quyền lực của đồng tiền. Bismarck cũng có một tâm thái tương tự như thế, vừa lợi dụng vừa coi thường các chủ ngân hàng Do Thái.

Lần đầu tiên Bismarck đến Frankfurt, ông như được hưởng tuần trăng mật khá nồng ấm với gia tộc Rothschild, nhưng rất nhanh sau đó hai bên xảy ra tranh cải dữ dội. Nguyên nhân xuất phát từ việc Áo – với tư cách là người đứng đầu Liên minh Đức, thường xuyên tỏ thái độ độc tài và không tôn trọng chính phủ Phổ. Trong khi đó Bismarck là một người nhạy cảm và mạnh mẽ đến mức cực đoan. Với tư cách là một nhà ngoại giao, ông chỉ có thể tuân thủ theo ý chí chính trị của Berlin, nhưng lại thường xuyên nổi trận lôi đình trước sự kiêu ngạo và các vấn đề của Áo. Thêm nữa, gia tộc Rothschild có nhiệm vụ tương đối quan trọng là duy trì mối quan hệ mật thiết với Vương triều Habsburg ở Áo. Năm 1852, giữa Áo và Phổ xảy ra xung đột liên quan đến vấn đề của Liên bang Đức, nhưng không quá nghiêm trọng. Vào thời điểm đó, Liên bang Đức có một hạm đội nhỏ, do thiếu nguồn vốn nên khó có thể tiếp tục duy trì, họ cần một khoản tiền để trả lương cho các thủy thủ. Áo không thèm để ý đến sự kiên quyết phản đối của Phổ, trực tiếp yêu cầu gia tộc Rothschild cung cấp khoản vay trị giá 60.000 guilders Hà Lan. Xét từ một khía cạnh nào đó, gia tộc Rothschild không hề muốn tài trợ cho hạm đội này, nhưng cuối cùng họ vẫn đồng ý tuân theo mệnh lệnh của Vương triều Habsburg. Và chuyện này đã khiến Bismarck cực kỳ tức giận, dẫn đến cuộc tranh cãi kịch liệt giữa ông và Amschel.

Trong quá trình "so găng" giữa hai chính phủ Phổ và Áo, dù thuộc hàng giàu có nhất nhưng gia tộc Rothschild cũng rất khó tránh khỏi việc trở thành chú chuột trong ống khói, tiếng thoái lưỡng nan. Từ trong tâm trí, giai cấp quý tộc cầm quyền phong kiến này vẫn coi dân Do Thái là một nhóm người phụ thuộc và thấp kém. Xét từ tình hình lịch sử thời đó, tiền bạc cũng không thể giải quyết vấn đề địa vị chính trị thấp kém của người Do Thái.

Sau cuộc tranh cãi lớn, cơn giận của Bismarck vẫn chưa hoàn toàn lắng xuống. Ông cho rằng gia tộc Rothschild gần gũi với Áo hơn và không coi trọng Phổ. Ông bắt đầu từ chối lời mời của gia tộc Rothschild, đồng thời vận động chính phủ Phổ cho ra mắt Ngân hàng Besman – đối thủ cạnh tranh mới của gia tộc Rothschild và sử dụng ngân hàng này làm ngân hàng chính thức của chính phủ Phổ. Không may, Bộ Tài chính Phổ không bốc đồng như Bismarck, họ vẫn quyết định không thay thế gia tộc Rothschild. Nguyên nhân chủ yếu là không ai có thể thay thế được địa vị của Rothschild. Chính phủ Phổ biết rằng khi họ thực sự cần tiền thì chỉ có gia tộc Rothschild mới có thể cung cấp những sự trợ giúp mang tính quyết định. Tranh cãi qua đi, đại sứ Áo rời Frankfurt trong cơn nóng giận và Bismarck tin rằng mình đã thắng trong trận chiến này.

Trong quá trình đụng độ với gia tộc Rothschild, Bismarck cũng đã đong đếm được tiềm lực của đối thủ.

Bismarck là một chính khách rất thực tế và lý trí trên chính trường, một khi giành được phần thắng trước Áo về chính trị, ông lập tức điều chỉnh thái độ đối với gia tộc Rothschild, và lại bắt đầu tỏ thiện ý với gia tộc này. Năm 1853, Bismarck ủng hộ kiến nghị của chính phủ, đồng ý cho gia tộc Rothschild trở thành ngân hàng đại diện cho chính phủ Phổ ở Frankfurt. Không chỉ vậy, ông còn yêu cầu trao huân chương Đại bàng đỏ của Phổ cho ngài Amschel Mayer. Sau khi mối quan hệ được phục hồi, hai bên lại càng trở nên thực dụng và mật thiết hơn trước.

Năm 1858, thái tử nước Phổ (sau này là Vua Wilhelm I) đã bổ nhiệm Bismarck làm đại sứ tại St. Petersburg. Trước khi Bismarck rời Frankfurt vào tháng 3 năm 1859, ông đã hỏi ý kiến Calmann Mayer Rothschild, hy vọng Calmann giới thiệu một ngân hàng đáng tin cậy cho ông ở Berlin, và Bismarck muốn ngân hàng quản lý tài chính cá nhân của mình ở Berlin bắt buộc phải là của người Do Thái. Vì nhiều lý do, Bismarck tin rằng chỉ có các chủ ngân hàng Do Thái mới có đủ tài năng giúp ông đạt được mục tiêu tài chính của mình. Lý do thực sự đằng sau vấn đề này là ông muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ đặc biệt và gần gũi với gia tộc Rothschild.

Vì vậy, gia tộc Rothschild chính thức đề nghị Gerson Breslauer làm ngân hàng tư nhân cho Bismarck.

Năm 1861, gia tộc Breslauer trở thành chủ ngân hàng Do Thái rất có ảnh hưởng ở Berlin. Mặc dù khi đó có một số gia tộc ngân hàng lâu đời như gia tộc Mendelssohn, có quy mô và sức ảnh hưởng đều vượt trội hơn so với gia tộc Breslauer, thế nhưng dựa vào mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ với gia tộc Rothschild, gia tộc Breslauer, nhanh chóng trở thành một "ngôi sao mới nổi" trong lĩnh vực ngân hàng ở Berlin. Hay nói cách khác, trong rất nhiều các gia tộc ngân hàng, bất cứ ai duy trì mối quan hệ chặt chẽ hơn với Rothschild, thì sẽ có cơ hội tốt hơn để trở thành người dẫn đầu trong việc cạnh tranh thị trường.

Sau khi trở thành ngân hàng tư nhân của Rothschild, Breslauer lập tức thể hiện vai trò của mình. Toàn bộ tiền lương và các thu nhập khác của Bismarck được chuyển cho ngân hàng của gia tộc Breslauer quản lý. Đồng thời, gia tộc Breslauer cũng phụ trách việc thanh toán các khoản nợ tư nhân, thiết lập và điều hành các tài khoản ngân hàng của ông ở nước ngoài; phụ trách kinh doanh khối tài sản vẫn chưa quá nhiều của Bismarck khi đó.

Từ thời điểm này, Bismarck và gia tộc Breslauer bắt đầu liên lạc chặt chẽ với nhau qua thư từ. Tất cả các gia tộc ngân hàng đều rất nhạy cảm với các tin tức chính trị và tình báo thị trường, vì sẽ có rất nhiều cơ hội kinh doanh ẩn sau chúng. Gia tộc Breslauer không yêu cầu Bismarck trả bất cứ một khoản thù lao nào bằng tiền. Phần thưởng họ tìm kiếm là những thông tin chính trị và một số tin tức nội bộ.

Trích "Chương 1, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét