Nước Anh đỉnh cao của quyền lực tài chính - phần 11

Bày mưu kỹ lưỡng, hành động quyết liệt: Rothschild cuối cùng trở thành bá chủ

Đối với gia tộc Rothschild, điều quan trọng nhất vào năm 1818 là làm thế nào ráng một cú thật đau vào gia tộc Barings. Tất nhiên không thể phủ nhận, gia tộc Rothschild cũng có bản lĩnh và khả năng "tấn công" cực kỳ điêu luyện.

Trước tiên họ mua lượng lớn trái phiếu của Pháp trên thị trường do gia tộc Barings bảo lãnh phát hành và đẩy giá lên cao. Sau đó, đúng thời điểm Hội nghị Thượng đỉnh Aachen của các nước đồng minh được tổ chức, họ bắt đầu rao bán toàn bộ số trái phiếu này, mức giá chạm ngưỡng sụp đổ, thị trường ngay lập tức rơi vào hoảng loạn. Không có bất kỳ sự chuẩn bị nào, gia tộc Barings phải mua lại số trái phiếu này để bình ổn giá, nhưng tốn công vô ích. Do dòng tiền bị rút kiệt trong thời gian ngắn nên gia tộc Barings gần như phá sản. May mắn thay, các nhà lãnh đạo chính trị các nước lớn tham gia Hội nghị thượng đỉnh không muốn chứng kiến làn sóng khủng hoảng châu Âu từ sự sụp đổ nợ công của Pháp. Metternich và Phổ, Hoàng thân Nga và các thủ tướng đều đứng ra hỗ trợ chính trị cho gia tộc Barings, vì tài sản của họ cũng đem đầu tư vào các khoản nợ công Pháp do Barings làm đại diện. Xét cả công lẫn tư, họ chỉ có thể dốc sức mà ủng hộ Barings lẫn trái phiếu của Pháp. Ngân hàng Pháp quyết định mạnh tay điều chỉnh lại thị trường tài chính và kiềm chế đầu cơ, những động thái này đã giúp ổn định tình hình. Giá trái phiếu Chính phủ Pháp có đà tằng ổn định. Barings cuối cùng cũng thoát khỏi kiếp nạn, nhưng được một phen toát mồ hôi lạnh. Nhìn chuyện xưa mà ngẫm chuyện nay, chúng ta không thể biết sự kiện của Ngân hàng Lehman Brothers năm 2008 rốt cuộc là đòn phản công của ai.

Đây chỉ là một thử nghiệm nhỏ của gia tộc Rothschild nhằm tấn công gia tộc Barings. Chiến lược thực sự của họ là, nếu tập đoàn tài chính Barings-Hope đã lũng đoạn quyền bảo lãnh trái phiếu bồi thường chiến tranh của Pháp, thì gia tộc Rothschild cần tìm cách trở thành đại diện tài chính của "Liên minh thần thánh" Nga-Phổ-Áo. Sau khi tích hợp ba đế quốc châu Âu này vào mạnh lưới tài chính của mình, rồi nhắm đến ngai vàng của Barings trên thị trường trái phiếu Anh và tung ra những đòn tấn công hủy diệt vào mạng lưới tài chính của gia tộc Barings. Cuối cùng là đẩy bật thế lực của gia tộc Barings ra khỏi vị trí trung tâm của đấu trường tài chính châu Âu.

Sau 25 năm đằng đẵng của cuộc chiến tranh chống Pháp, tất cả các nước châu Âu đã bị tàn phá, khắp nơi đều là những đống đổ nát hoang tàn, và họ rất cần một số tiền lớn để khôi phục nền kinh tế quốc gia. Là lực lượng chính, là chiến trường chính của cuộc chiến chống Pháp ở châu Âu, Phổ, Áo và Nga không phải là ngoại lệ, họ đang rất cần huy động vốn với quy mô lớn ở các thị trường tài chính phát triển như Anh và Pháp.

Như lời phát ngôn Thủ tướng Anh Disraeli đã nói nhiều năm sau đó: "Sau 25 năm chiến tranh đẫm máu, châu Âu phải có tiền để duy trì hòa bình… Pháp cần rất nhiều tiền, Áo cần nhiều hơn, Phổ cần ít hơn một chút, còn Nga thì cần hàng triệu". Còn lúc đó, tất cả các nguồn lực và tài chính của thế lực cường quyền thứ 6 – gia tộc Barings đã đổ vào thương vụ rao bán trái phiếu chiến tranh của Pháp, nên họ hoàn toàn không còn tâm trí đâu đẻ dòm ngó. Gia tộc Rothschild nắm bắt cơ hội chiến lược này và giành được thỏa thuận bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc gia với Phổ (1818), Áo (1820) và Nga (1822), nhanh chóng buộc chặt liên minh thần thánh khuynh đảo châu Âu này vào mạng lưới tài chính của mình. Ba quốc gia này cũng tỏ ra ngạc nhiên trước khả năng kiếm soát thị trường tài chính London của gia tộc Rothschild: "Rothschild có tầm ảnh hưởng đáng kinh ngạc đến tất cả các hoạt động tài chính của London. Mọi người đều nghĩ rằng, và thực tế cũng là họ có toàn quyền kiếm soát lãi suất chuyển đổi trên sàn giao dịch tài chính London. Với tư cách là một gia tộc ngân hàng, quyền lực họ nắm trong tay gần như là vô hạn".

Ảnh hưởng của Rothschild đối với Liên minh thần thánh là hết sức sâu rộng, mối quan hệ vô cùng mật thiết, đến nỗi mọi người đã buộc tội Nathan Rothschild là một "nhà môi giới mạo hiểm" của Liên minh thần thánh, giúp đỡ Liên minh thần thánh dập tắt ngọn lửa chính trị (làn sóng của chủ nghĩa tự do) ở châu Âu. Thậm chí, năm 1821, Nathan đã nhận được một lá thư dọa giết vì mối liên hệ của ông với các cường quốc nước ngoài, đặc biệt là sự ủng hộ to lớn đối với Áo, giúp cho Chính phủ Metternich lên kế hoạch đàn áp sự tự do của châu Âu.

Thế lực của Rothschild bỗng chốc tăng vọt, và vị thế "cường quyền thứ sáu" gia tộc Barings đang vị lay chuyển dữ dội.

Chính trong giai đoạn hệ trọng này, tố chất kinh doanh và tinh thần dám nghĩ dám làm của gia tộc Barings lại trên đà suy thoái. Sự quan tâm của các thành viên chủ chốt trong gia tộc Barings giờ không còn thiên về chính trị, mà chuyển hướng sang đời sống văn hóa nghệ thuật và những trò cưỡi ngựa xem hoa. Ngay cả bản thân nhân vật cốt lõi của gia tộc – Alexander cũng ngày càng ít hỏi han công việc kinh doanh, ông tập trung vào việc ngắm sơn họa thủy, theo đuổi nghệ thuật và tranh đấu chính trị trong hạ viện. Gia tộc Barings không phải là người Do Thái nên họ có nhiều cơ hội hơn trong chính giới châu Âu (có truyền thống tâm lý bài Do Thái). Điều đó khiến gia tộc Barings dồn rất nhiều tâm sức đến các cuộc đấu tranh chính trị, mà quên bẵng đi công việc kinh doanh tài chính của mình. Rõ ràng, điều tối kỵ khi giao chiến với kẻ địch chính là phân tâm.

Hướng đầu tư của gia tộc Barings cũng phạm nhiều sai lầm. Đầu tiên là họ dồn tiền đầu tư bất động sản, nhưng do lún vào quá sâu nên bắt buộc phải rút vốn từ ngân hàng để duy trì đầu tư nhà đất. Kết quả là khoản vốn sở hữu tại Ngân hàng Barings từ con số 622.000 bảng tụt xuống chỉ còn trong vòng hai năm. Nếu đem ra so sánh thì Rothschild có nhiều tiền hơn và mạng lưới chi nhánh rộng hơn để hỗ trợ hoạt động đầu tư của họ. Trong khi đó, hoạt động đầu tư của gia tộc Barings tại khu vực Mỹ Latinh lại liên tục thất bát, tổn thất cực lớn, làm suy yếu sức mạnh tài chính của Barings.

Một xu hướng lớn đáng chú ý khác là, giai đoạn 1809 – 1939, trong 31 chủ ngân hàng đầu tư với giá trị hơn 1 triệu bảng trên thế giới có 24 người Do Thái, chiếm 77,4% trên tổng số, còn các tín đồ Anh giáo chỉ có 4 người, chiếm 12,9%, và Barings là một trong số đó. Suốt thế kỷ XIX, các chủ ngân hàng Do Thái bắt đầu khơi nghiệp ở Đức và nhanh chóng lan rộng ra thế giới, với nòng cốt là gia tộc Rothschild; ở Anh có gia tộc Lange; ở Đức bao gồm Oppenheimer, Mendelssohn, Brace Muff, Warburg, Erlanger; ở Pháp có các gia tộc Fould, Heine, Beret, Worms, Stern; ở Mỹ là gia tộc Belmont, Seligman, Schiff, Warburg, Lehman, Kuhn, Loeb, Goman. Những gia tộc này tạo nên một hình thái tác chiến tập đoàn, tương hỗ lẫn nhau, liên hôn với nhau, gắn kết lợi ích, dần dần hình thành một mạng lưới tài chính quy mô lớn và dày đặc, ngày càng khó khăn hơn cho những kẻ ngoài cuộc bước vào vòng tròn này. Đương nhiên, gia tộc Barings ngày càng ít có cơ hội kinh doanh trong mạng lưới rộng lớn thống trị bởi các chủ ngân hàng Do Thái.

Dậu đổ bìm leo, sự suy yếu của gia tộc Barings tạo đà cho gia tộc Rothschild trỗi dậy. Và quả thực gia tộc Rothschild tận dụng rất tốt cơ hội này. Đầu tiên, họ giành được thương vụ bảo lãnh 6,5 triệu bảng trái phiếu nợ công của Nga năm 1822, trong khi giai đoạn trước hoạt động này luôn do tập đoành tài chính Barings-Hope độc quyền. Vì lẽ đó, Barings-Hope đã cáo buộc Rothschild mua chuộc Đại sứ Nga tại London – Hoàng tử Levin, nẫng tay trên thương vụ này.

Năm 1824, Chính phủ Pháp chuẩn bị phát hành trái phiếu quốc gia và gia tộc Rothschild đã "từ khách thành chủ". Gia tộc Barings bị giáng cấp, trở thành một bên tham gia thay vì là người quyết định. Khi đó, James Rothschild đang ở trụ sở tại Paris, ông triệu tập một cuộc họp với anh em họ của mình ở London, Thủ tướng Pháp, gia tộc Barings và Lafayette. Ông đề xuất một kế hoạch tái cơ cấu khoản nợ của Pháp. Rothschild và Lafayette hoàn toàn không tin tưởng vào ý đồ của Barings. Do đó, hai người họ thêm vào một điều khoản bổ sung của thỏa thuận: Nếu Barings rút khỏi thỏa thuận thì hai gia tộc còn lại sẽ tự xử lý khoản nợ công của Pháp, đẩy gia tộc Barings ra khỏi nòng cốt. Trong lá thư từ đối tác của Barings đã nói là Alexander Barings – người đang ở trong một cơn lốc chính trị rằng: "Nhìn chung, gia tộc Rothschild có kế hoạch chu toàn, cực kỳ thông minh và thủ đoạn lão luyện, song cũng giống như Napoléon trong thời kỳ chiến tranh, một khi có tình huống bất ngờ xảy ra, họ cũng sẽ rớt đài và trở nên tầm thường như bao người khác thôi. Tôi thực sự hy vọng chúng ta có thể thoát khỏi vòng kiềm tỏa của họ".

Đến năm 1825, cục diện ngày càng rõ ràng hơn, và không còn nghi ngờ gì nữa, gia tộc Rothschild trở thành bá chủ mới trên thị trường tài chính quốc tế. Thời điểm này, vốn chủ sở hữu của Chi nhánh Rothschild tại London lên tới 1,14 triệu bảng, trong khi gia tộc Barings chỉ là 490.000 bảng, chưa bằng một nửa so với họ. Tổng số vốn của Ngân hàng gia tộc Rothschild là hơn 5 triệu bảng. Đến tháng 7 năm 1825, Ngân hàng Barings nhận khoản cổ tức 120.000 bảng, nhưng lại lỗ tới 56.000 bảng chỉ một năm sau đó, ngay cả vị trí thứ hai của gia tộc Barings cũng không vững. Mặc dù xét trên giá trị sổ sách, nguồn vốn của Barings vẫn vượt qua tất cả các gia tộc ngân hàng khác, ngoại trừ Rothschild, nhưng công ty Brown Brothers ở Baltimore, New York và Boston đang trỗi dậy với tốc độ chóng mặt, họ đang bám sát Barings với số vốn 350.000 bảng và tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Mặc dù Barings miễn cưỡng giữ vị trí thứ hai và đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động huy động tín dụng quốc tế và quan hệ quốc tế, nhưng giờ đây Rothschild đã trở thành nhân vật chính của vũ đài này.

Trích "Chương 2, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét