Nước Đức cái nôi của các chủ ngân hàng quốc tế - phần 15 - hết

5 tỷ frank bồi thường chiến tranh: "chiếc bánh lớn" của các chủ ngân hàng

Khi quân đội Bismarck bắt đầu nghỉ ngơi, cũng là lúc các chủ ngân hàng quốc tế trở nên bận rộn hơn. Khoản phí bồi thường chiến tranh lên tới 5 tỷ franc là một thương vụ lớn mà bất cứ ai cũng thèm muốn. Nếu tính 1% phí giao dịch thì chỉ riêng thương vụ này đã là một chiếc bánh lớn trị giá 50 triệu franc!

Tháng 11 năm 1870, gia tộc Rothschild của Áo đã chủ động đề xuất với Bismarck rằng, họ hân hạnh cung cấp dịch vụ, thay mặt nước Phổ nhận khoản tiền bồi thường chiến tranh mà Pháp sẽ trả trong tương lai. Tất nhiên, Oppenheimer và các gia tộc ngân hàng quốc tế khác cũng đang cạnh tranh để được cung cấp dịch vụ. Bismarck tìm kiếm lời khuyên từ Breslauer. Tất nhiên, một vị quan chức cấp cao như vậy thì ai chẳng muốn dựa dẫm. Breslauer vừa vội vàng vừa sốt sắng đến Versailles ngày 7 tháng 2 năm 1871. Cuối cùng ông nhận được hai thương vụ lớn mà ông muốn nhất, huy động 200 triệu franc tiền bồi thường chiến tranh cho Paris và sắp xếp phối hợp bồi thường chiến tranh trên khắp nước Pháp.

Về số tiền bồi thường chiến tranh, chính phủ Thiers Pháp đã dự tính là 5 tỷ franc, nhưng Bismarck nhanh tay lấy một tờ giấy và viết con số 6 tỷ franc! Thiers nhảy dựng lên. Hai người tranh cãi kịch liệt. Bismarck tức giận trước phản ứng của Pháp. Thêm nữa là phía Anh đột nhiên xen vào, yêu cầu Bismarck phải "biết giữ chừng mực". Thiers cho rằng, khoản bồi thường chiến tranh quá mức là không công bằng và cũng không thực tế, Pháp không thể lấy đâu ra nhiều tiền như vậy. Bismarck nổi giận lôi đình, quyết không nhượng bộ. Cuối cùng, Thiers đề nghị mời Rothschild xuất đầu lộ diện. Khi Rothschild xuất hiện, Bismarck trút hết sự tức giận của mình lên Rothschild, tất cả những người có mặt đều thấy sốc. Bismarck vẫn không mảy may động lòng, kiên quyết cho rằng 5 tỷ frank là con số bồi thường "có thể tiếp tục". Sau đó, Breslauer đề cập đến điều này trong một bức thư gửi cho vua Wilhelm II. Wilhelm II cũng rất không hài lòng với hành vi thô lỗ có chủ ý của Bismarck.

Nổi giận thì nổi giận, nhưng địa vị của Rothschild trên thị trường tài chính quốc tế vẫn không thể bàn cãi. Nếu không chấp nhận điều kiện của ông thì đừng nghĩ đến việc huy động đủ tiền bồi thường chiến tranh, quân đội Phổ sẽ phải lưu lại trên đất Pháp vô thời hạn trong không khí tràn ngập sự thù địch. Chi phí mỗi ngày cung ứng cho quân đội tăng lên nhanh chóng. Trong khi đó, sự bất mãn của Phổ và châu Âu với Bismarck cũng nhanh chóng tích tụ. Sau khi cân nhắc lợi – hại, Bismarck đành phải chấp nhận mức bồi thường chiến tranh là 5 tỷ franc. Vậy là việc mà chính phủ Thiers không thể làm được, gia tộc Rothschild vừa xuất đầu lộ diện đã lập tức giải quyết xong.

Ngày 10 tháng 5 năm 1871, Phổ và Pháp chính thức ký Hiệp ước hòa bình Frankfurt. Hiệp ước quy định: Pháp phải trả khoản tiền bồi thường chiến tranh 5 tỷ franc, cắt nhượng toàn bộ vùng Alsace và một phần lớn của vùng Lorraine.

Pháp bắt đầu huy động 2 tỷ franc trái phiếu đợt đầu tiên để bồi thường chiến tranh, với lãi suất 5%. Liên minh bảo lãnh phát hành của Phổ do Breslauer đứng đầu được thành lập và các gia tộc như Oppenheimer và Warburg đã tham gia vào việc phát hành. Kết quả thành công ngoài mong đợi, số lượng đặt mua vượt mức 14 lần. Pháp gom đủ 2 tỷ franc tiền bồi thường chiến tranh trước thời hạn và chuyển trực tiếp khoản tiền đó từ Ngân hàng gia tộc Rothschild sang Ngân hàng Breslauer và Ngân hàng Hansman. Năm 1872, 3 tỷ franc trái phiếu bồi thường chiến tranh đợt thứ hai được đặt mua vượt mức 13 lần, chỉ riêng gia tộc Oppenheimer đã bảo lãnh cho 490 triệu taylor, trong đó chính họ nắm giữ 47 triệu taylor. Quá trình bồi thường diễn ra suôn sẻ. Vào mùa hè năm 1873, Pháp hoàn tất việc thanh toán khoản bồi thường chiến tranh. Quân Phổ bắt đầu rút khỏi lãnh thổ Pháp. Khả năng huy động vốn mạnh mẽ trong thị trường tài chính là điều hoàn toàn không thể tưởng tượng được trong quá khứ. Các khoản bồi thường chiến tranh trong triều đại nhà Thanh thường trực tiếp áp xuống cho người nghèo dưới hình thức sưu thuế, trong khi phương Tây cung cấp cơ hội đầu tư cho người giàu thông qua hình thức đầu tư trái phiếu. Hai quan điểm khác nhau đã tạo ra hiệu ứng hoàn toàn khác nhau.

Trong quá trình này, các ngân hàng quốc tế đóng vai trò kép. Một mặt, họ giải quyết vấn đề, mặt khác họ lại là người tạo ra vấn đề. Họ cung cấp một gói "dịch vụ chiến tranh toàn diện" cho các bên tham chiến, từ việc đưa các công ty vũ khí niêm yết trên sàn chứng khoán, phát hành trái phiếu vũ khí, tài trợ hoạt động, phát hành trái phiếu chiến tranh quốc gia, bồi thường sau chiến tranh, chuyển tiền bồi thường và tài trợ tái thiết quốc gia. Trong chiến tranh, các chính phủ thường bất chấp mọi giá để giành được phần thắng, và đó là cơ hội tốt cho các chủ ngân hàng mua tài sản nhà nước với giá rẻ. Người Trung Quốc có câu tục ngữ thể hiện rất rõ về điều này: "Đại pháo rền vang, hoàng kim vạn lượng!" Bất luận kết quả của cuộc chiến ra sao, các ngân hàng quốc tế của cả đôi bên đều sẽ kiếm bội tiền.

Vẫn chỉ có Napoléon là nhìn thấu được điều này: Tiền bạc thì không có tổ quốc, trong mắt của các chủ ngân hàng thì chỉ có lợi ích mà thôi!

Biểu đồ mạng lưới quan hệ
Biểu đồ mạng lưới quan hệ

Trích "Chương 1, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét