Nước Anh đỉnh cao của quyền lực tài chính - phần 9

Bồi thường sau chiến tranh của Pháp: Barings thăng cấp trở thành thế lực cường quyền thứ sáu ở châu Âu

"Ngày nay có sáu thế lực cường quyền ở châu Âu: Anh, Pháp, Nga, Áo, Phổ và gia tộc Barings"
---
Thủ tướng Pháp Richelieu

Năm 1815, Pháp bị đánh bại, Napoléon bị lưu đày. Theo "Hòa ước Vienna", Pháp phải trả 700 triệu franc bồi thường chiến tranh, ngoài ra phải chịu mọi chi phí cho 150.000 binh lính thuộc liên minh chống Pháp (đang đồn trú tại Pháp) trong vòng 5 năm. Người xưa có câu "Họa vô đơn chí", năm 1816, nông nghiệp Pháp bị mất mùa, quốc khố trống rỗng. Triều đại Bourbon khôi phục sau chiến tranh không nhận được sự tin tưởng và hỗ trợ của các tập đoàn tài chính trong nước. Họ bất đắc dĩ phải cầu cứu Barings – gia tộc Anh hùng mạnh nhất châu Âu giúp họ sớm thanh toán hết khoản bồi thường chiến tranh cho các nước thắng trận, để các lực lượng nước ngoài đang chiếm đóng mau chóng rời khỏi lãnh thổ của mình.

Với sự hỗ trợ của đại sứ Anh tại Pháp – công tước Wellington và thủ tướng Pháp – công tước Richelieu (cháu nội của Hồng y Louis XIV Richelieu), Gabriel-Julien Ouvrard đã thay mặt Hoàng đế Louis XVIII đến London diện kiến gia tộc Barings. Ouvrard từng là cố vấn tài chính cho Napoléon. Ông liên tục vào tù ra tội vì sự thiếu minh bạch trong vấn đề thu chi. Nhân vật này rất thạo quyền biến, có tài hùng biện. Ouvrard có mối quan hệ mật thiết với Thủ tướng Richelieu và Hoàng đế Louis XVIII. Nói chung, ông thuộc hình mẫu "dẻo mỏ".

Ouvrard nói với gia tộc Barings rằng Thủ tướng Richelieu và Bộ trưởng Bộ Tài chính Corsetto ủy thác cho mình toàn quyền đàm phán một khoản vay với tập đoàn tài chính Anh – Hà Lan. Ban đầu, gia tộc Barings không để tâm tới vấn đề này, vì "người trung gian" vô danh tiểu tốt này có vẻ không đáng tin cậy, thế nên họ cũng không thể hiện thái độ rõ ràng.

Trở về nước, Ouvrard thêm mắm dặm muối nói với các bộ trưởng Pháp rằng gia tộc Barings và Hope quan tâm đến vấn đề này như thế nào và rất có thể họ sẽ đồng ý cho vay. Thủ tướng Richelieu và Bộ trưởng Bộ Tài chính nghe vậy thì vui mừng khôn xiết. Với sự trí trá tài tình của Ouvrard, hai bên phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, biến giả thành thật và bắt đầu đam phán chi tiết khoản vay. Tại địa điểm đàm phán ở Tuileries nước Pháp, gia tộc Barings và Hope bị bao vây bởi những người phản đối khoản vay, gia tộc Hope dừng lại lắng nghe những ý kiến phản đối, nhưng gia tộc Barings chỉ nhún vai và tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận cho vay. Xuất phát từ ý đồ tư lợi cá nhân, ngoại trưởng Pháp Talleyrand không muốn chứng kiến thương vụ này trót lọt, còn Hoàng đế Louis XVIII thì bày tỏ sự sẵn sàng chào đón Barings tại Paris.

Đến tháng 12 năm 1816, cuộc đàm phán tiến triển đáng kể và Công tước Wellington chính thức viết thư thông báo cho Bộ trưởng Ngoại giao Anh Castlerea rằng, tổng nợ công của Pháp là khoảng 300 triệu franc (tức 12 triệu đô-la), tương dương với 2 triệu bảng Anh trái phiếu của Chính phủ Pháp sẽ được phát hành trên thị trường tài chính London. Gia tộc Barings có sự ủng hộ của các chính trị gia chủ chốt của châu Âu như Thủ tướng Áo Metternich cũng thi nhau mua trái phiếu Chính phủ Pháp do gia tộc Barings bảo lãnh. Gia tộc Barings, cùng đối tác Jacques Laffitte của Paris hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo lãnh phát hành và huy động được 315 triệu franc cho Chính phủ Pháp trong ba giai đoạn.

Trong quá trình huy động vốn đó, các tập đoàn tài chính Pháp trước đầy không tin tưởng hoàng gia, cũng bắt đầu tài trợ các khoản nợ công của Pháp dưới tác động của gia tộc Barings. Trong hai đợt huy động đầu, họ đặt mua ¼ số nợ công. Đến giai đoạn thứ ba, giá trị họ đặt mua lên tới một nửa. Gia tộc Barings nhất thời thống trị thị trường tài chính Pháp. Trong một lá thư gửi cho một người bạn, Công tước Wellington đã bình luận: "Barings thực sự nắm thị trường tài chính Pháp trong tay và nợ công của Pháp cũng như cá gặp nước trên sàn giao dịch Anh. Barings gần như đã kiểm soát thị trường tài chính của thế giới. Barings sẽ cảm nhận được uy quyền của mình, và bất cứ hành động nào chống lại ông ta đều rất khó thành". Là một lão tướng từng trải trăm trận, những câu nói của Wellington vừa như lời tán dương, vừa hàm ý cảnh cáo.

Trong toàn bộ thương vụ đại diện Chính phủ Pháp bồi thường chiến tranh, các nước liên minh chống Pháp nhận được khoản chiến phí, Pháp được giải thoát khỏi gánh nặng chiếm đóng của nước ngoài; còn gia tộc Barings thì đút túi 720.000 bảng, không chỉ kiếm bội tiền mà địa vị chính trị của họ cũng lên đến đỉnh cao, có thể coi là "cả nhà cùng vui". Gia tộc Barings vừa thu được khoản hoa hồng cực kỳ hậu hĩnh, vừa nâng tầm danh tiếng cao hơn bất kỳ gia tộc ngân hàng nào khác. Thủ tướng Pháp Richelieu còn phải thốt lên rằng: "Có sáu thế lực cường quyền ở châu Âu hiện nay: Anh, Pháp, Nga, Áo, Phổ và gia tộc Barings".

Sự nghiệp của gia tộc Barings đã đạt đến đỉnh cao.

Nhưng cũng giống như tất cả những thứ đạt đến đỉnh cao, khoảnh khắc rực rỡ nhất thường là điểm khởi đầu của sự suy thoái. Như Công tước Wellington nói, có những gia tộc ngân hàng khác sẵn sàng lật đổ vị trí bá chủ "một tay che cả bầu trời" như gia tộc Barings. Một trong những đối thủ mạnh mẻ nhất, đáng sợ nhất của họ là gia tộc Rothschild nổi lên từ cuộc chiến Napoléon. 10 năm sau, chính gia tộc Rothschild đã kéo Barings ra khỏi ngai vàng tài chính.

Trích "Chương 2, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét