Nước Đức cái nôi của các chủ ngân hàng quốc tế - phần 13

Tại sao chiến tranh Phổ-Áo lại đột ngột dừng lại?

Tháng 2 năm 1866, những nỗ lực huy động vốn của Breslauer nhằm thu mua cổ phần của tuyến đường sắt Köln-Minden trên thị trường châu Âu vấp phải phản ứng kịch liệt của các ngân hàng quốc tế do gia tộc Rothschild dẫn đầu. Mọi người đều nghĩ rằng nguồn vốn để mua cổ phiếu sẽ được Phổ sử dụng cho chiến tranh, trong khi hòa bình lại là "lý tưởng chung" của các ngân hàng quốc tế. Vào trung tuần tháng 2, trong một lá thư bí mật gửi cho gia tộc Rothschild, Breslauer đã đề cập rằng có lẽ chính phủ đang xem xét đến việc bán mỏ than Saar. Trên thị trường đồn đại rằng có thể Rothschild và Oppenheimer chính là người mua. Rõ ràng, hành động ngăn chặn triệt để việc bán cổ phần công ty đường sắt Köln-Minden và hy vọng mỏ than Saar sẽ đổi chủ có nghĩa là các ngân hàng quốc tế đã nhận ra lợi ích tiềm năng của mỏ than là lớn hơn. Nếu như để Bismarck huy động được đủ tiền thông qua việc chuyển nhượng cổ phần đường sắt thì chính phủ Phổ sẽ không cần phải bán mỏ Saar nữa.

Vấn đề tiền bạc vẫn chưa có tiến triển trong khi đó việc chuẩn bị chiến tranh ngày càng gấp rút hơn. Ngày 28 tháng 3 năm 1866, quân đội Phổ tiến hành chuẩn bị chiến tranh trên quy mô lớn. Trước tình cảnh khan hiếm người mua, Bộ Tài chính Phổ bắt đầu rao bán công khai cổ phiếu tuyến đường sắt Köln-Minden trên thị trường. Tuy nhiên, dưới bóng đen chiến tranh đang bao phủ, còn thị trường vẫn hết sức ảm đạm, thì việc rao bán trên quy mô lớn có thể dẫn đến tổn thất tài sản nghiêm trọng. Ngày 8 tháng 4, Phổ tuyên bố liên minh quân sự với Ý, thị trường chứng khoán lao dốc khủng khiếp. Lúc này, Rothschild chỉ thị cho Breslauer là khi nào chiến tranh khai màn, thì lập tức bán ra tất cả trái phiếu của gia tộc Rothschild ở Berlin. Nhưng Breslauer đã bán một số lượng lớn trái phiếu gia tộc Rothschild từ trước, kết quả là gia tộc Rothschild rất tức giận. Họ cho rằng trước khi thực nhận bất cứ khoản vốn nào, thì Bismarck sẽ tuyệt đối không vội vàng phát động chiến tranh, vì vậy việc liên mình với Ý không có nghĩa là cuộc chiến sắp bắt đầu.

Breslauer rõ ràng đã phạm một sai lầm lớn vì sự sốt sắng của mình.

Rothschild nói trong thư rằng: "Không có bằng chứng nào cho thấy anh đang bảo vệ lợi ích của gia tộc chúng tôi, chúng tôi muốn nghe anh giải thích việc bán trái phiếu của chúng tôi. Chúng tôi đã gửi cho anh một bức điện tín vào buổi sáng, trong đó nói rằng chúng tôi không chấp nhận hành vi bán (trái phiếu) của anh". Ngày 18 tháng 4, Breslauer vội vã gửi điện tín để giải thích rằng gần đây, mối quan hệ với Áo đã hòa hoãn hơn, nên việc bán trái phiếu đã hoàn toàn chấm dứt.

Tháng 5 năm 1866, Phổ bắt đầu tổng động viên quân sự. Chi phí đảm bảo trạng thái sẵn sàng tham chiến cho cả chín quân đoàn là 24 triệu taylor, với số tiền tăng thêm 6 triệu taylor mỗi tháng. Đến ngày 18 tháng 5, trong tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng, chính phủ Phổ buộc phải tuyên bố thành lập một cơ quan tín dụng công cộng và cung cấp khoản tín dụng trị giá 25 triệu taylor mà không cần thế chấp, đồng thời bãi bỏ tất cả các pháp lệnh hạn chế lãi suất cao, và cố gắng thu hút vốn tư nhân cho tín dụng. Kể cả như vậy, tình trạng căng thẳng tín dụng vẫn không nguôi ngoai, Bộ trưởng Bộ Tài chính lo lắng không còn đủ tiền để phát động chiến tranh, thậm chí các chi phí cho hai tháng sau đó vẫn chưa có gì là chắc chắn.

Vào thời khắc cuối cùng trước khi chiến tranh bùng nổ, chương trình đường sắt Cologne-Minden của Breslauer đã đóng vai trò quyết định. Sau bao nỗ lực huy động vốn nhưng đều thất bại, Bộ Tài chính Phổ đã quyết định ủy thác cho Breslauer và Hansman thành lập một tập đoàn ngân hàng để thu mua cổ phần đường sắt. Định giá thu mua cổ phần là 110 taylor/cổ phiếu và mức giá giao dịch trên thị trường là 117 taylor/cổ phiếu. Những chủ ngân hàng khác đều cố gắng lợi dụng tình huống khó xử của chính phủ trong vấn đề tài chính để ép giá xuống còn 105 taylor. Chính phủ không thể chấp nhận một mức giá thấp như vậy nên đã quyết định bán theo lô. Nếu chiến sự thuận lợi thì giá cổ phiếu sẽ tằng vọt. Nhưng đây cũng là một nước cờ nguy hiểm. Nếu không thuận lợi, chính phủ sẽ phải đối mặt với áp lực cạn kiệt nguồn vốn và sụp đổ giá cổ phiếu. Tuy nhiên, Bismarck quyết tâm chấp nhận rủi ro!

Do chính phủ đã từ bỏ việc quốc hữu hóa và gỡ bỏ pháp lệnh bảo lãnh lãi suất cho vay, nên họ nhận được khoản bảo lãnh 14 triệu taylor vốn bị khóa chặt trước đó. Ngoại trừ khoản tiền rao bán cổ phần tuyến đường sắt Köln-Minden để tổng động viên quân sự, thì đây là số tiền đủ để duy trì cuộc chiến trong bảy tuần tới. Vào thời điểm quân đội của Bismarck tiến sát thành Vienna, số tiền chỉ còn lại vỏn vẹn 3 triệu taylor, và đại quân của Áo vẫn còn 180.000 binh sĩ trấn thủ tại Vienna. Nếu không thể buộc Áo đầu hàng trong vòng hai tuần, Bismarck sẽ trở thành chính trị gia đáng chê trách nhất trong lịch sử.

Sự kết thúc đột ngột của Chính tranh Phổ-Áo đã giúp Bismarck toàn thắng trong canh bạc vĩ đại quyết định vận mệnh nước Đức và vận mệnh cá nhân của chính mình!

Trích "Chương 1, Chiến tranh tiền tệ - phần 2 - Sự thống trị của quyền lực tài chính, Song Hong Bing"

Đọc tiếp:

Nhận xét