Mưu chuyện lâu dài - phần 6

Chiến lược của tương lai: "xây tường cao, tích lương thảo, hoãn xưng vương"

"Xây tường cao"

Trung Quốc cần phải xây dựng một hệ thống phòng ngự kép đối với cơn đại hồng thủy tài chính từ ngoài tràn vào và cơn hỏa hoạn tài chính từ trong phát ra.

Các Ngân hàng quốc tế sắp sửa ồ ạt tiến vào các trung tâm tài chính của Trung Quốc, như vậy nước này không thể không đề phòng. Khi bàn về vấn đề này, phần lớn mọi người tập trung vào cuộc tranh giành khoản tiền gửi của dân chúng – một miếng bánh lớn vô cùng hấp dẫn – giữa ngân hàng nước ngoài và ngân hàng nội địa. Tuy nhiên, trên thực tế, điều nguy hiểm hơn là các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài này sẽ thông qua việc cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và người dân Trung Quốc để trực tiếp nhúng tay vào việc phát hành tiền tệ của Trung Quốc. Thông qua chế độ dự trữ vàng cục bộ, Ngân hàng có vốn nước ngoài sẽ đồng loạt đẩy mạnh tiến trình tiền tệ hóa các khoản vay của nhà nước, doanh nghiệp và người dân Trung Quốc. "Đồng nhân dân tệ vay mượn" do các ngân hàng có vốn nước ngoài này phát hành sẽ tiến sâu vào bên trong cơ thể của nền kinh tế Trung Quốc thông qua rất nhiều phương thức như chi phiếu ngân hàng, ngân phiếu định mức ngân hàng, thẻ tín dụng, cho vay thế chấp bất động sản, cho vay vốn lưu động doanh nghiệp, sản phẩm tài chính phái sinh.

Suốt mấy chục năm nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc mỏi mắt trông chờ khoản vay từ các ngân hàng quốc doanh đồng thời phải chịu đựng sử thờ ơ ghẻ lạnh của họ. Nếu ví nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với vốn giống như cói khô thì khả năng đáp ứng nhu cầu của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài chẳng khác nào lửa mạnh. Như vậy, đôi bên chẳng hẹn mà gặp, và bởi thế mà cơn hỏa hoạn tín dụng tràn lan ở Trung Quốc là hoàn toàn có thể dự báo được. Lượng vốn lớn sẽ được đổ vào các công trình xây dựng với quy mô lớn, vật giá tiêu dùng sẽ bị siết chặt, vấn đề lạm phát tài sản sẽ càng trở nên gay go hơn. Với việt siết chặt vật giá tiêu dùng và nạn lạm phát tài sản diễn ra tràn lan, Trung Quốc sẽ lâm vào cảnh vô cùng khó khăn. Và trong lúc này, các nhà tài phiệt Ngân hàng quốc tế sẽ bắt đầu chiến dịch "xén lông cừu" để tướt đoạt tài sản của người dân Trung Quốc. Cơ hội để các nhà Ngân hàng quốc tế "gặt hái" chính là khi nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng suy sụp.

Thomas Jefferson – người có công lập ra nước Mỹ - đã có một câu danh ngôn cảnh báo người đời rằng: "Nếu người dân Mỹ để cho ngân hàng tư nhân khống chế quyền phát hành tiền tệ của đất nước, thì trước hết những ngân hàng này sẽ thông qua lạm phát tiền tệ, sau đó siết chặt lạm phát để tướt đoạt tài sản của người dân. Mãi cho đến một ngày, khi tỉnh dậy, con cái của họ sẽ nhận thấy một điều rằng, tất cả ruộng vườn nhà cửa và cả đại lục mà ông cha họ cất công khai phá đã không cánh mà bay".

Hơn hai trăm năm đã trôi qua, nhưng lời cảnh báo của Thomas Jefferson dường như vẫn còn nguyên giá trị và có sức chấn động mạnh đối với tất cả chúng ta.

Trước đây, khi các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài chưa đổ bộ vào Trung Quốc, tuy có lợi dụng nạn lạm phát tiền tệ để kiếm lợi nhuận, nhưng các ngân hàng quốc doanh của nước này tuyệt đối không có ý đồ cũng như khả năng để tạo ra tình trạng khan hiếm tiền tệ nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Sở dĩ từ thuở khai sinh lập địa đến nay, Trung Quốc chưa phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng là do không ai có dã tâm và khả năng để tạo ra khủng hoảng kinh tế. Sau khi các nhà ngân hàng quốc tế xâm nhập toàn diện vào Trung Quốc, tình hình này đã thay đổi hoàn toàn.

Bức tường phòng ngự tài chính đối nội của Trung Quốc nhầm phòng ngừa các ngân hàng vốn nước ngoài tạo ra lạm phát tài chính để thổi to bong bóng ở Trung Quốc, tiếp đó siết chặt nguồn vốn để tạo ra thâm hụt tiền tệ, buộc hàng loạt doanh nghiệp và cá nhân phải đóng cửa hoặc phá sản, từ đó thu mua lại khối tài sản quan trọng của Trung Quốc với giá bọt bèo. Do vậy, các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc cần phải nghiêm túc giám sát quy mô và phương hướng phát hành tín dụng của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài để tiến hành điều tiết vĩ mô tỉ lệ vàng dự trữ cũng như thành phần vàng dự trữ, để phòng khả năng các ngân hàng có vốn nước ngoài tiến hành tiền tệ hóa các khoản công nợ trong nước. Các ngân hàng Trung Quốc cũng cần đề phòng khả năng liên minh, câu kết giữa ngân hàng có vốn nước ngoài với quỹ đối xung quốc tế. Hợp đồng tài chính phái sinh được ký kết giữa các công ty Trung Quốc và các ngân hàng nước ngoài phải được báo cáo cho các cơ quan quản lý tài chính. Đặc biệt là cần phải cẩn trọng đối với hợp đồng tài chính phái sinh do ngân hàng có vốn nước ngoài kiếm định, để phòng thủ đoàn tấn công từ xa của giới tài phiệt quốc tế đối với hệ thống tài chính Trung Quốc. Bài học từ cuộc tấn công của các Ngân hàng quốc tế năm 1990 vào thị trường cổ phiếu và thị trường tài chính Nhật Bản vẫn còn nguyên giá trị đối với tất cả chúng ta.

Bức tường phòng lũ tài chính đối ngoại của Trung Quốc chủ yếu là nhằm bảo vệ đất nước khi hệ thống đồng đô-la Mỹ rơi vào khủng hoảng. Với khoản nợ khổng lồ lên đến 44 nghìn tỉ đô-la, nền kinh tế Mỹ đang ẩn chứa nhiều nguy cơ rủi ro lớn. Việc chi trả mức lãi suất khổng lồ từ các khoản vay nợ chẳng khác nào những cơn sốt dữ ngày đêm xô vào con đê yếu, tạo nên sự đe dọa rất lớn đối với Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác.

Trung Quốc cần phải hành động khẩn cấp, chuẩn bị chống lũ lụt tài chính và bảo vệ an toàn tài sản của nhân dân. Sự mất giá nhanh chóng của đồng đô-la Mỹ đã không còn là dự báo nữa mà là sự thực đang diễn ra hàng ngày. Trận lũ đang âm thầm, chỉ còn chờ nước lũ tràn lên là xảy ra sự cố vỡ đê, và hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Nguồn dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã ở vào trạng thái rủi ro cao độ. Nếu cơn bão tài chính quốc tế xuất hiện một cách thình lình trong khi quả bong bóng sản phẩm tài chính phái sinh và hệ thống đồng đô-la Mỹ đã phình căng cực độ thì vàng và bạc sẽ là chiếc thuyền cứu sinh an toàn nhất cho cả thế giới. Tăng cường dự trữ vàng và bạc đối với Trung Quốc đã trở thành vấn đề khẩn thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.

"Tích lương thảo"

Mở rộng kho tích trữ lương thực, nâng cao lượng dự trữ vàng và bạc chính là chuyện cả quan lẫn dân Trung Quốc cùng phải lo. Các mỏ vàng bạc trong lãnh thổ Trung Quốc cần phải được tăng cường bảo vệ cơ mật như tài sản chiến lược quan trọng nhất đồng thời phải được tiến hành quốc hưu hóa toàn diện. Trên bình diện quốc tế, cần phải dốc sức mua vào các công ty sản xuất vàng bạc, xem đó là sự bổ sung tài nguyên vàng bạc trong tương lai của Trung Quốc. Phương hướng cuối cùng của cải cách tiền tệ Trung Quốc chính là xây dựng một "hệ thống tiền tệ kép" với sự bảo đảm của vàng bạc phù hợp với tình hình Trung Quốc, xác định thước đo cân bằng tiền tệ ổn định, hoàn thành việc chuẩn bị mang ý nghĩa chiến lược nhằm biến đồng nhân dân tệ thành tiền tệ tích lũy chủ yếu của thế giới.

"Hoãn xưng vương"

Chính phủ Trung Quốc cần phải cân nhắc các khó khăn cũng như hạn chế của đất nước mình. Sự phát triển nổi trội của các cường quốc trên thế giới luôn gắn liền với khả năng sáng tạo vượt trội để đi lên, sản xuất ra một lượng lớn hàng hóa và dịch vụ mới mà các nước khác không thể làm được, tạo ra các phát minh khoa học kỹ thuật tiên tiến, đưa ra những tư tưởng và lý luận xuất sắc để dẫn dắt văn minh của thế giới.

Hiện nay, Trung Quốc được đánh giá cao về phương diện mô phỏng kỹ thuật sản xuất của phương Tây trên quy mô lớn, tuy nhiên, xét về phương diện sáng tạo cái mới trong lý luận tư tưởng và khoa học kỹ thuật, Trung Quốc vẫn còn rất yếu kém. Đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng, người Trung Quốc thiếu lòng tự tin vào văn minh của nước mình. Biểu hiện chủ yếu của việc này là người Trung Quốc không phân biệt được tính hợp lý và bất hợp lý của chế độ phương Tây, thiếu sự dũng cảm trong việc phê phán những sai lầm về mặt đạo đức của phương Tây, không dám thực hiện những thứ mà phương Tây không có, thiếu sự dũng cảm trong việc tạo ra một quy tắc mới cho thế giới. Tất cả những điều này không thể một sớm một chiều mà giải quyết được, vì vậy, Trung Quốc nên "hoãn xưng vương" để có thể mưu chuyện lâu dài.

Trích Song Hong Bing, Chiến Tranh Tiền Tệ Phần 1, Chương 10.

Nhận xét