Chiến tranh tiền tệ không tuyên mà chiến - phần 6

Soros: Sát thủ tài chính của Ngân hàng quốc tế

Lâu này, báo chí khắp nới trên thế giới thường khắc họa hình tượng của Soros như một "hiệp sĩ độc hành", một người hùng tung hoành tự do giữa chốn giang hồ hoặc một "thiên tài tài chính" có cách nghĩ và hành động độc lập. Những câu chuyện truyền miệng liên quan đến Soros càng khiến cho hình tượng của ông thêm phần huyền bí. Grumman đã từng đùa rằng, nếu đọc ngược lại thì cái tên SOROS quả thật chẳng giống ai.

Vậy có thật Soros là người luôn hành động độc lập, chỉ cần dựa vào linh cảm của mình cũng đủ để khiêu khích Ngân hàng Anh, làm rung chuyển đồng mác Đức và khuynh đảo thị trường tài chính châu Á?

Có lẽ chỉ những người có đầu óc đơn giản mới tin vào những câu chuyện truyền kỳ như vậy.

Quỹ tiền tệ lượng tử khuynh đảo thị trường tài chính thế giới do Soros sáng lập ra được đăng ký ở Curacao, nơi được xem là thiên đường trốn thuế ở quần đảo Andreas – thuộc địa của Hà Lan trên biển. Nhờ đó, ông ta có thể che dấu được tên tuổi nhà đầu tư chủ lực cũng như tình hình làm ăn hay nguồn tiền vốn của Quỹ này. Curacao còn được coi là trung tâm rửa tiền lớn nhất trên thế giới.

Theo quy định của luật chứng khoán Mỹ, số lượng nhà đầu tư thời lưu (Sophisticate Investors) của Quỹ phòng chống rủi ro (Hedge Fund) không được vượt quá 99 người Mỹ. Soros đã hao tâm tổn huyết đảm bảo trong số 99 nhà giàu siêu cấp này không có người Mỹ nào. Vì Quỹ đối xung cách xa đất liền như vậy, nên thậm chí Soros không nằm trong số các thành viên của Hội đồng quản trị mà chỉ tham gia vào việc vận hành quỹ với tư cách là cố vấn đầu tư. Không chỉ vậy, ông ta còn dùng danh nghĩa của Công ty quản lý quỹ Soros (Soros Fund Management) do bản thân sáng lập nên ở New York để đảm đương chức vụ cố vấn này. Nếu Chính phủ Mỹ yêu cầu cung cấp chi tiết về tình hình hoạt động của Quỹ này, ông ta có thể nói rằng bản thân mình chỉ là một cố vấn đầu tư để thoái thác trách nhiệm.

Quỹ Quanta Fund của Soros bao gồm:

Richard Katz – Giám đốc Ngân hàng Rothschild Longdon và là Chủ tịch Ngân hàng Rothschild Italia Milan.

Nils Taube - Giám đốc kiêm cổ đông của St. James Place Capital thuộc Tập đoàn ngân hàng London, một thành viên của dòng họ Rothschild.

William Lord Ress-Mogg - Giám đốc, bình luận viên của tờ London Times, đồng thời là cổ đông của St. James Place Capital trực thuộc dòng họ Rothschild.

Edgar de Picciotto – nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất trong số các ngân hàng tư nhân của Thụy Sĩ, người được coi là "nhà tài phiệt ngân hàng thông minh nhất Genève".

Tháp tùng Picciotto còn có Edmund Safra – ông chủ Republic Bank of New York, từng bị cơ quan chức năng Mỹ xác nhận có liên quan đến tập đoàn tội phạm của Ngân hàng Matxcơva và bị Thụy Sĩ cáo buộc là có liên quan đến các hoạt động rửa tiền của Thổ Nhĩ Kỳ và Columbia.

Trong "nhóm" của Soros còn có Marc Rich – một thương gia nổi tiếng đến từ Thụy Sĩ cùng Shaul Eisenberg – nhà buôn vũ khí nổi tiếng người Israel.

Mối quan hệ bí mật giữa Soros với Rothschild khiến cho ông trở thành "con tốt tiên phong" của tập đoàn tài chính hùng mạnh nhất và bí mật nhất trên thế giới này. Dòng họ Rothschild không chỉ đóng vai trò bá chủ thành phố tài chính London, cha đẻ của mạng lưới tình báo quốc tế, hậu đài của năm ngân hàng lớn nhất phố Wall, dòng họ định đoạt giá vàng thế giới, mà còn giữ vai trò chi phối chủ yếu mọi hoạt động của trục tài chính London – phố Wall hiện nay. Chẳng ai biết dòng họ này có bao nhiêu tài sản, nhưng khi nhà Rothschild và các nhà tài phiệt Ngân hàng quốc tế đánh tiếng cho dư luận thế giới tập trung vào những nhân vật giàu có nhất thế giới như Bill Gates hay ông trùm cổ phiếu Warren Buffett, khối tài sản khổng lồ của họ - nhiều hơn cả những nhà giàu nhất hành tinh – đang nằm yên trong tài khoản ngoài khơi Thụy Sĩ hoặc biển Caribe sẽ đợi thời mà động đậy.

Mối quan hệ của Soros với những bậc tinh anh của Mỹ cũng rất khác thường. Ông ta đã đầu tư vào tập đoàn Carlyle Group để buôn bán vũ khí. Cổ đông của tập đoàn này bao gồm các nhân vật tên tuổi như Bush-cha, James Beck – cực Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Đầu những năm 80, Soros đã cùng với một số chính trị gia của Mỹ như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Brezinski hay Madeleine Albright để lập ra Quỹ hỗ trợ dân chủ quốc gia (National Endowment for Democracy). Tổ chức này trên thực tế được cục tình báo trung ương (CIA) và tư nhân hợp vốn lập nên.

Thông qua sự huấn luyện của các nhà tài phiệt Ngân hàng quốc tế, ngay từ những năm 90, Soros đã gây ra nhiều bão táp trên thị trường tài chính thế giới. Mỗi một hành động mạnh tay của Soros đều thể hiện ý đồ chiến lược trọng đại của các nhà Ngân hàng quốc tế với mục tiêu là thúc đẩy khả năng "giải thể có kiểm soát" đối với nền kinh tế của các nước nhằm từng bước hoàn thành công tác chuẩn bị cho sự ra đời của hệ thống "Chính phủ thế giới" và "tiền tệ thế giới" dưới sự khống chế của trục tài chính London – phố Wall.

Đầu những năm 80, các nhà tài phiệt Ngân hàng quốc tế về cơ bản đã thực hiện được việc "giải thể một cách có kiểm soát" đối với nền kinh tế của các quốc gia thuộc châu Mỹ Latinh và các nước phát triển ở Bắc Mỹ. Cuối thập niên 80, họ lại tiếp tục khống chế thành công nền tài chính Nhật Bản. Sau đó, họ lại quay hướng về châu Âu – khu vực trọng điểm cần khống chế - với mục tiêu phá hoại nền kinh tế của các nước Đông Âu và Liên Xô.

Soros là người gánh vác sứ mệnh quan trọng này và đóng vai một nhà từ thiện. Ông ta lập ra rất nhiều quỹ hỗ trợ ở Đông Âu và Liên Xô. Các quỹ này được Soros thành lập dựa theo mô hình của "hiệp hội giải phóng xã hội" mà ông ta khởi xướng ở New York với việc đề cao những khái niệm tự do cá nhân. Chẳng hạn, trường Đại học Trung Âu (Central European University) do Soros hỗ trợ đã luôn tìm cách xuyên tạc và nhồi nhét vào đầu thanh niên đang sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa rằng, những khái niệm như quốc gia chủ quyền là sản phẩm của thế lực tàn ác và phản "chủ nghĩa cá nhân", rằng chủ nghĩa tự do kinh tế là liều thuốc thần diệu, mọi sự phân tích lý tính đối với hiện tượng xã hội đều là sản phẩm của "chủ nghĩa chuyên chế". Các chủ đề chính được giảng dạy trong trường học này thường mang những nội dung kiểu như "cá nhân và chính phủ". Đương nhiên, những tư tưởng này đã nhận được sự tán đồng cao độ của Hiệp hội Ngoại giao Mỹ.

Gillesd'Aymery – nhà phê bình nổi tiếng của Mỹ - đã miêu tả một cách chính xác bộ mặt thực sự của Soros cũng như ý đồ thực sự của các tổ chức quốc tế do những kẻ như họ "vô tư" tài trợ: "Đằng sau chiếc mặt nạ hợp pháp và chủ nghĩa nhân đạo, người ta có thể phát hiện ra một nhóm những "nhà từ thiện" vô cùng giàu có và những tổ chức do họ tài trợ như "Hiệp hội mở cửa xã hội", Quỹ Ford, Hiệp hội hòa bình Mỹ, Quỹ hỗ trợ dân chủ Mỹ, Tổ chức quan sát nhân quyền, Tổ chức ân xá quốc tế, Tổ chức rủi ro thế giới. Trong số những người này, Soros là kẻ nổi bậc nhất. Ông ta giống như một con bạch tuộc khổng lồ vươn những xúc tu dài đến tận Đông Âu, Đông Nam Âu, vùng Ovcharka và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Dưới sự phối hợp của nhũng tổ chức này, Soros không những có thể nhào nặn mà còn tạo nên những thông tin mới, chương trình nghị sự chung và quan điểm chung nhằm khống chế thế giới và tài nguyên, thôi thúc lý tưởng về một thế giới thống nhất hoàn mỹ do Mỹ tạo nên".

Trong quá trình giải thể của các quốc gia xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Soros đã đóng vai trò hết sức quan trọng, có thể nói là không thể cân đo đong đếm được. Ở Ba Lan, Soros đã có công lớn trong việc giúp Công đoàn Đoàn kết Ba Lan giành chính quyền quốc gia, có sức ảnh hưởng trực tiếp đối với ba vị Tổng thống đầu tiên của nước Ba Lan mới.

Soros đã cùng Paul Volcker – cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Anno Ruding – Phó Chủ tịch Ngân hàng Hoa Kỳ, Jeffrey Sachs – Giáo sư Đại học Harvard, bào chế nên "liệu pháp sốc" khiến cho Đông Âu và Liên Xô đồng loạt toi mạng. Chính Soros đã tổng kết liệu pháp này như sau: "Tôi nghĩ cần phải tạo nên một sự thay đổi về thể chế chính trị để dẫn đến sự cải thiện về kinh tế. Ba Lan chính là nơi có thể thử nghiệm được. Tôi đã chuẩn bị một số phương sách cải cách kinh tế rộng khắp, bao gồm ba phần: giám sát tiền tệ, điều chỉnh kết cấu và tổ chức lại các khoản nợ. Tôi cho rằng, muốn hoàn thành đồng thời ba mục tiêu này thì cần phải thực hiện tốt từng mục tiêu một. Tôi chủ trương một kiểu hoán đổi nợ với cổ phần ở tầm kinh tế vĩ mô".

Việc điều chỉnh kết cấu nền sản xuất cũng giống như việc tiến hành phẫu thuật toàn diện trật tự kinh tế vĩ mô, đồng thời lại khư khư kiểm soát gắt gao nguồn cung ứng tiền tệ. Điều này chẳng khác nào việc bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân nhưng lại từ chối tiếp máu cho họ vậy, và kết cục đương nhiên là nền kinh tế bị sụp đổ hoàn toàn, nền sản xuất suy thoái nghiêm trọng, mức sống của người dân tụt dốc không phanh, các nhà máy công nghiệp đóng cửa hàng loạt, công nhân thất nghiệp, sự bất ổn xã hội tăng lên. Lúc này, các Ngân hàng quốc tế đem "nợ đổi cổ phiếu" bán đổ bán tháo ra thị trường và ung dung thu mua những tài sản chính yếu của những quốc gia này.

Ba Lan, Hungari, Liên bang Nga, Ukraine lần lượt bị cho "lên thớt", đến mức nền kinh tế của những quốc gia này 20 năm sau vẫn không thể khôi phục hoàn toàn. Điều khác biệt giữa tình hình của các quốc gia Đông Âu so với các quốc gia nhỏ yếu không có sức phản kháng ở châu Phi và châu Mỹ Latinh chính là: Liên Xô và Đông Âu đều là các quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh đến mức khiến Mỹ không thể ngủ yên, vậy mà đành phải bất lực trước cảnh đất nước bị cướp bóc một cách điên cuồng có tổ chức. Điều này quả thực là hiện tượng có một không hai trong lịch sử nhân loại.

Kiểu giết người không dao của Soros quả thực là điểm đặc biệt của ông ta. Xem ra, để tiêu diệt một quốc gia thì cách làm hiệu quả nhất chính là phải làm sao cho dân chúng ở quốc gia đó trở nên mất niềm tin vào Chính phủ hay các nhà lãnh đạo đất nước.

Trích Song Hong Bing, Chiến Tranh Tiền Tệ Phần 1, Chương 8.

Đọc thêm:

Nhận xét