Mưu chuyện lâu dài - phần 4

Khối mỡ công nợ và GDP giảm béo

Mô hình phát triển kinh tế với sự tăng trưởng GDP cũng chẳng khác nào việc tăng thể trọng là nhiệm vụ trọng tâm của sức khỏe vậy. Việc Chính phủ dùng chính sách lấy bội chi tài chính để kéo kinh tế tăng trưởng cũng chẳng khác nào dùng chất kích thích để tăng cường thể trọng vậy. Và tiền tệ công nợ chính là phần chất béo phát triển thêm.

Một người mà trông cứ ngày thêm phì nộn thì liệu anh ta có thật sự khỏe mạnh không?

Mô thình tăng trưởng kinh tế của một quốc gia không nằm ngoài hai dạng thức sau: một là do của cải chân chính có được từ sự tích lũy, sau đó những nguồn vốn vàng bạc thật này được dùng vào đầu tư, từ đó lại tạo nên của cải thực tại nhiều hơn trước, kinh tế xã hội cũng nhờ đó mà tiến bộ, điều mà sự tăng trưởng kinh tế theo mô hình này manh lại chính là sự phát triển của phần cơ thịt của nền kinh tế, sự cứng cáp khỏe mạnh của gân cốt nền kinh tế, sự cân bằng trong phân bố dinh dưỡng của nền kinh tế. Tuy hiệu quả trước mắt là chậm chạp, nhưng chất lượng tăng trưởng cao, ít gây ra tác dụng phụ.

Một mô hình khác chính là dùng các khoản vay nợ để kích hoạt sự tăng trưởng của nền kinh tế khiến quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân phải gánh chịu những khoản nợ khổng lồ. Sau khi được tiền tệ hóa qua hệ thống ngân hàng, những khoản nợ này lại tăng lên với những con số khổng lồ và gây ra cho người ta cảm giác rằng của cải đang tăng lên như thể quả bong bóng được bơm căng vậy. Vì vậy, tiền tệ đương nhiên sẽ trở nên mất giá dẫn đến sự cách biệt nghiêm trọng trong phân hóa giàu nghèo mà hậu quả của nó là lượng mỡ dư thừa của nền kinh tế đang càng ngày càng tăng lên. Việc phát triển kinh tế theo mô hình dùng nợ để kích thích chẳng khác nào người ta dùng thuốc kích thích tăng trưởng tiêm vào cơ thể nhằm trở nên béo tốt một cách cấp tốc, tuy hiệu quả là rõ rệt chỉ sau một thời gian ngắn, song tác dụng phụ tiềm ẩn của những thứ hooc-môn tăng trưởng cấp kỳ ấy cuối cùng rồi cũng sẽ dẫn đến đủ loại biến chứng bộc phát. Và đến khi đó, các loại thuốc mà cơ thể nền kinh tế nhất định phải cần dùng đến ngày càng nhiều, để rồi cứ thế đầu độc hệ thống nội tiết của cơ thể nền kinh tế, gây ra sự nổi loạn triệt để của môi trường sinh thái bên trong cơ thể, cuối cùng là vô phương cứu chữa.

Căn bệnh đầu tiên mà công nợ sinh ra chính là chứng cao huyết áp trong nền kinh tế - nạn lạm phát tiền tệ, đặc biệt là lạm phát tài sản. Ở một phương diện khác, chứng bệnh này lại dẫn đến tình trạng dư thừa trong sản xuất, tạo ra sự xáo trộn về cấu trúc của nền kinh tế, gây lãng phí lớn cho nguồn vốn thị trường, tạo ra cuộc chiến giá cả khốc liệt trong sản xuất cũng như nạn lạm phát hàng hóa tiêu dùng. Gia đình được xem là tế bào chính của cơ thể nền kinh tế, vậy nhưng, tế bào này đang bị đe dọa không chỉ bởi nạn lạm phát tiền tệ mà còn bởi tình trạng giãn thợ đang tăng lên hàng ngày. Những điều này đã làm suy giảm sức tiêu thụ trong dân chúng và khiến cho cơ thể nền kinh tế thiếu đi sức sống.

Một chứng bệnh khác do khối mỡ công nợ tạo nên chính là lượng mỡ cao trong máu của nền kinh tế.

Ngay sau khi các khoản công nợ được tiền tệ hóa, tiền tệ sẽ không còn khan hiếm, mà xuất hiện tràn lan khắp mọi ngóc ngách của xã hội. Tiền càng ngày càng nhiều nhưng cơ hội đầu tư thì lại ngày càng ít đi. Dưới chế độ bản vị vàng, đặc trưng chủ yếu của thị trường cổ phiếu là cơ cấu tài chính của công ty lên sàn khá vững chắc, tình trạng công nợ không có nguy cơ, nguồn vốn dồi dào, mức lợi nhuận tăng trưởng ổn định, cổ tức của cổ phiếu tăng đều theo hàng năm, thị trường cổ phiếu tuy có mạo hiểm, nhưng lại là một thị trường thực sự đáng để đầu tư. Mà các thị trường cổ phiếu chủ yếu của thế giới ngày nay lại ngập trong các khoản tiền nợ và bị đánh giá quá với giá trị thực của nó, các nhà đầu tư khó mà trông chờ vào lợi nhuận cổ tức cho dù vẫn luôn nuôi hi vọng tăng giá của cổ phiếu. Thị trường chứng khoán ngày càng mất đi tính đầu tư mà dần biến thành một sòng bạc với đầy rẫy những điểm khác thường. Tình trạng bất động sản cũng giống hệt như vậy.

Bản thân các khoản nợ đã khiến cho mạch máu kinh tế trở nên dễ vỡ hơn, việc tăng lượng phát hành tiền nợ sẽ khiến cho huyết dịch kinh tế sánh đặc lại, lượng lớn vốn lắng đọng trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản sẽ khiến huyết quản kinh tế càng thêm tắc nghẽn, triệu chứng cao huyết áp của nền kinh tế sẽ không thể tránh khỏi.

Trạng thái cao huyết áp trong nền kinh tế sẽ càng tăng thêm gánh nặng cho trái tim kinh tế - thứ được coi là môi trường và tài nguyên mà nhân dân dùng để sáng tạo ra của cải.

Gánh nặng công nợ sẽ gây nên tình trạng bội chi nghiêm trọng, môi trường sinh thái bị ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt, hệ sinh thái mất cân đối, khí hậu biến đổi, thiên tai liên miên… Chính những điều này đã dẫn đến tình trạng chồng chất trong công nợ của dân chúng. Sự phân hóa giàu nghèo, dao động kinh tế, mâu thuẫn xã hội, tham ô hủ bại là những mối hiểm họa đối với một xã hội lành mạnh.

Trong khi tất cả những căn bệnh như lượng mỡ cao trong máu, cao huyết áp – những chứng bệnh do chất mỡ tiền tệ công nợ gây ra – cùng phát tác và tồn tại thì hệ thống nội tiết tự nhiên của cả cơ thể kinh tế sẽ rơi vào trạng thái rối loạn, khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém, các cơ quan nội tạng tổn thương nghiêm trọng, quá trình đổi mới trong cơ thể không thể vận hành bình thường, hệ thống miễn dịch mất đi sức đề kháng. Nếu chọn biện pháp đau gì trị nấy thì việc này sẽ gây ra hiện tượng nhờn thuốc, từ đó mà càng làm suy thoái trầm trọng hệ thống nội tiết của cơ thể nền kinh tế.

Ngay sau khi đã nhận thức rõ bản chất và sự nguy hại của tiền tệ công nợ thì chúng ta cần phải thực hiện việc điều chỉnh tương ứng đối với chiến lược phát triển kinh tế. Nghĩa là từ mô hình cũ lấy tăng trưởng GDP làm kim chỉ nam, lấy tiền tệ công nợ làm cơ sở, lấy bội chi tài chính làm tăng trưởng, chúng ta cần phải chuyển biến sang mô hình phát triển mới lấy xã hội và sự phát triển hài hòa làm trung tâm, dùng tiền tệ thật làm thước đo, dùng tích lũy để thúc đẩy phát triển.

Chúng ta cũng phải từng bước xây dựng một hệ thống thước đo tiền tệ ổn định dùng vàng và bạc làm điểm tựa, từng bước loại trừ công nợ ra khỏi dòng lưu thông tiền tệ, nâng cao tỉ lệ dự trữ vàng trong ngân hàng và xem đó là phương pháp quan trọng trong việc kiểm soát và điều hành tài chính khiến cho tỉ suất lợi nhuận của ngành tài chính ngang bằng với tỉ suất lợi nhuận bình quân của các ngành công nghiệp khác trong xã hội. Chỉ khi nào trị tận gốc hai căn bệnh dai dẳng là tiền tệ công nợ và chế độ dự trữ vàng cục bộ này, Chính phủ mới có thể đảm bảo được sự công bằng và hài hòa trong xã hội.

Việc loại bỏ tiền nợ ra khỏi hệ thống lưu thông tiền tệ phải là một quá trình lâu dài, gian khổ, giống như quá trình giảm béo vậy. Cắt giảm lượng thức ăn, điều chỉnh cơ cấu bữa ăn, tăng cường lượng vận động thể dục… tất cả những việc này thực sự khó khăn hơn nhiều so với chuyện trốn mình trong chiếc chăn ấm áp của tiền nợ tăng sinh. Việc siết chặt lưu thông tiền tệ cũng giống như rèn luyện ý chí và sức chịu đựng của con người, giống như khi chúng ta đi bơi vào sáng sớm mùa đông vậy. Sau những gian khổ ban đầu, tính linh hoạt của nền kinh tế tăng cường rõ rệt, hệ thống đề kháng lại với các loại xung đột khủng hoảng kinh tế sẽ càng thêm hoàn thiện, áp lực môi trường sinh thái sẽ giảm nhẹ, sự phân phối tài nguyên trên thị trường cũng sẽ hợp lý hơn. Dĩ nhiên, các chứng bệnh trong cơ thể nền kinh tế sẽ thuyên giảm, hệ thống nội tiết tự nhiên trong cơ thể nền kinh tế sẽ từng bước khôi phục chức năng khiến cho cả xã hội trở nên hài hòa và khỏe mạnh.

Khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn lĩnh vực tài chính, cần phải nhận thức rõ ưu thế và điểm yếu của chế độ tài chính phương Tây đồng thời phải tỏ ra cởi mở, phải có dũng khí và mưu trí nhằm sáng tạo ra cái mới một cách hiệu quả.

Thông thường, những quốc gia quật khởi trong lịch sử đều có những cống hiến mang tính khai sáng đối với sự phát triển của xã hội loài người. Trung Quốc đang ở trên "bước ngoặt chiến lược" đặc biệt này.

Trích Song Hong Bing, Chiến Tranh Tiền Tệ Phần 1, Chương 10.

Đọc tiếp:

Nhận xét