Cuộc chiến tranh cuối cùng của đồng tiền đích thực - phần 9 - hết

Ronald Wilson Reagan bị ám sát – hy vọng cuối cùng nghiền nát bản vị vàng

Ronald Wilson Reagan
Ronald Wilson Reagan

Cho dù trên phạm vi thế giới, chế độ bản vị vàng đã được loại bỏ hoàn toàn, chỉ trừ một số ít quốc gia như Thụy Sĩ vẫn còn duy trì chế độ này. Như vậy, giữa vàng và tiền giấy đã không còn bất cứ mối quan hệ ràng buộc nào, nhưng điều khiến các nhà Ngân hàng quốc tế ăn không ngon ngủ không yên chính là giá vàng thế giới tăng liên tục trong suốt thập niên 70. Điều này buộc các nhà Ngân hàng quốc tế phải tìm mọi cách ưu tiên cho việc ngăn chặn sự phục hồi của chế độ bản vị vàng.

Ngày 1 tháng 1 năm 1975, để cho người dân thế giới thấy rằng vàng chẳng qua chỉ là một loại kim loại bình thường đồng thời làm tăng thêm niềm tin tuyệt đối của mọi người đối với đồng đô-la Mỹ, Chính phủ Mỹ đã quyết định bãi bỏ việc thì hành lệnh cấm người dân Mỹ sở hữu vàng trong suốt 40 năm. Còn các quốc gia khác thì chọn biện pháp đánh thuế nặng đối với vàng để làm giảm nhu cầu của người dân đối với vàng, có nước còn trưng thu thuế giá trị gia tăng của vàng lên đến 50%. Sau 40 năm vắng bóng vàng cùng với những bất tiện trong việc mua bán kim loại này, người dân Mỹ cảm thấy ngỡ ngàng trước dự luật bãi bỏ lệnh cấm đối với vàng. Việc này cũng chẳng tạo nên được cục diện căng thẳng như dự định, và các nhà tài phiệt Ngân hàng quốc tế cuối cùng đã thở phào nhẹ nhõm. Khi nhìn thấy John Exeter – một nhà tài phiệt ngân hàng – chơi đùa với mấy đồng tiền vàng trong tay, Paul Volker – Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không khỏi hiếu kỳ mà hỏi rằng: “John, tiền vàng của anh được mua ở đâu vậy?.”

Trong một cuốn sách có tựa đề Tại sao phải cần vàng, Ernest Wilke đã chỉ ra bản chất của việc khống chế vàng: “Bắt đầu từ năm 1975, dưới sự phối hợp chủ yếu của các thành viên chủ chốt trong IMF, nước Mỹ đã bắt đầu “đàn áp” giá vàng trên thế giới. Mục đích của việc “đàn áp” giá vàng chính là khiến cho người dân của các quốc gia lớn tin rằng, tiền giấy tốt hơn tiền vàng. Việc khống chế giá vàng thành công sẽ đảm bảo quá trình phát hành tiền giấy với số lượng khổng lồ đến vô hạn.”

Các nhà kinh tế học cũng đã thừa nhận rằng, sau khi mất đi nhu cầu đặt mua từ các cơ quan Chính phủ, vàng sẽ bị coi là một thứ hàng hóa hầu như chẳng có giá trị gì. Một số người thậm chí còn cho rằng mức 25 đô-la Mỹ/ounce vàng mới là “giá trị nội tại” của vàng.

Tháng 8 năm 1975, để tiến thêm một bước trong hành trình loại bỏ sức ảnh hưởng của vàng, Mỹ và các nước công nghiệp phương Tây đã quyết định không tăng lượng dự trữ vàng của các nước. Ngoài ra, IMF cần phải bán rẻ 50 triệu ounce vàng để làm giảm giá vàng. Nhưng giá vàng vẫn chắc chắn như cũ, và vào tháng 9 năm 1979, vàng đã tăng vọt lên 430 đô-la Mỹ/ounce. Giá vàng lúc này đã tăng gấp mười lần so với giá vàng năm 1971.

Tháng 1 năm 1975, Bộ Tài chính Mỹ đã bắt đầu tiền hành đợt phát mãi thứ nhất, sau đó lượng phát mãi tăng từ 300 nghìn ounce lên đến 750 nghìn ounce, nhưng vẫn khó để ngăn chặn việc buôn bán vàng. Chỉ đến tháng 11 năm 1978, Bộ Tài chính tuyên bố lượng phát mãi 1,5 triệu ounce cao nhất từ trước đến thời điểm đó, thì giá thị trường mới sụt xuống một chút. Đến ngày 16 tháng 10 năm 1979, Bộ Tài chính cũng không thể chống đỡ nổi, đành tuyên bố đổi phát mãi định kỳ thành phát mãi “bất ngờ.”

Giá vàng ở mức 400 đô-la Mỹ/ounce được cho là đã phản ánh một cách hợp lý thực tế phát hành đồng đô-la Mỹ từ năm 1933.

Nhưng “cuộc khủng hoảng con tin Iran” nổ ra tháng 11 năm 1979 đã làm thay đổi hướng đi của giá vàng. Sau khi khủng hoảng bùng phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tức tốc tuyên bố đóng băng các tài khoản dự trữ vàng của Iran ở Mỹ. Hành động này đã khiến ngân hàng trung ương của các nước trên thế giới cảm thấy ớn lạnh. Nếu như nguồn vàng của Iran bị đóng băng thì số vàng mà mọi người gửi ở Mỹ cũng đều sẽ không an toàn. Thế là các nước tranh nhau mua vàng và trực tiếp vận chuyển về nước để cất giữ. Trong khi Iran lại dốc lực vét hết vàng trên thị trường quốc tế, Iraq cũng không chịu khoanh tay đứng nhìn và lập tức gia nhập vào hàng ngủ của các nhà tiêu dùng siêu cấp. Chỉ trong mấy tuần, giá vàng đã nhảy vọt lên tận mây xanh tới mức 850 đô-la Mỹ/ounce.

Tổng thống Ronald Wilson Reagan – người chứng kiến tất cả những biến cố bể dâu này – đã bắt đầu tin chắc rằng, chỉ có việc khôi phục lại bản vị vàng mới có thể cứu vãn được nền kinh tế Mỹ. Tháng 1 năm 1981, Ronald Wilson Reagan vừa mới lên nhậm chức đã yêu cầu Quốc hội thành lập “Ủy ban vàng” để nghiên cứu tính khả thi để khôi phục bản vị vàng. Hành động này đã trực tiếp xúc phạm đến “vùng cấm” của các nhà tài phiệt Ngân hàng quốc tế. Ngày 30 tháng 3 năm 1981, vừa mới bước vào Nhà Trắng được 69 ngày, Ronald Wilson Reagan đã bị một kẻ thuộc nhóm những người hâm mộ các minh tinh màn bạc tên Hinkley bắn trúng tim. Người ta đồn rằng, kẻ này làm như thế là vì muốn thu hút sự chú ý của ngôi sao màn bạc nổi tiếng Jodie Foster. Đương nhiên, cũng như tuyệt đại đa số các thích khách đã từng ám sát Tổng thống Mỹ, người này cũng bị cho là “thần kinh có vấn đề.”

Phát súng này không chỉ “thức tỉnh” Tổng thống Ronald Wilson Reagan, mà còn dập tắt hy vọng cuối cùng của một số cá nhân trong việc khôi vục bản vị vàng. Tháng 3 năm 1982, “Ủy ban vàng” gồm 17 thành viên với tỉ lệ phiếu 15/2, đã phủ quyết ý tưởng khôi phục bản vị vàng, Tổng thống Ronald Wilson Reagan nhanh chóng tỏ ra “biết nghe lời.” Từ đó, không còn vị Tổng thống Mỹ nào dám động đến vấn đề khôi phục bản vị vàng nữa.

Trích Song Hong Bing, Chiến Tranh Tiền Tệ Phần 1, Chương 7.

Đọc tiếp:

Nhận xét