Cuộc chiến tranh cuối cùng của đồng tiền đích thực - phần 5

Quỹ hỗ trợ vàng (Gold Pool)

Trong tiến trình loại bỏ chế độ dùng vàng bạc để đảm bảo tiền tệ, các nhà Ngân hàng quốc tế đã sử dụng chiến lược “trước bạc sau vàng.” Nguyên nhân chủ yếu của chiến lược này là: đầu thập niên 60, trên thế giới chỉ còn mấy quốc gia đang sử dụng bạc làm tiền tệ. Loại bỏ bạc trắng ra khỏi hệ thống tiền tệ Mỹ chỉ là một thủ thuật cục bộ và đơn giản.

Vấn đề vàng thì phức tạp và khó khăn hơn nhiều. Trong thực tiễn lịch sử kéo dài hơn 5000 năm của xã hội loài người, bất luận ở thời đại nào, quốc gia nào, tôn giáo nào, chủng tộc nào, vàng cũng được thế giới công nhận là một loại tài sản quý giá. Nhận thức này không dễ gì bị mớ lý thuyết coi vàng là “di tích của dã man” hóa giải. Các nhà tài phiệt Ngân hàng quốc tế hiểu rất rõ rằng, vàng không phải là thứ kim loại bình thường, và nếu xét từ bản chất thì vàng là thứ “kim loại chính trị” duy nhất, có độ nhạy cảm cao, có tính kế thừa lịch sử sâu sắc nhất. Nếu xử lý không tốt vấn đề vàng, người ta có thể gây nên cơn bão tài chính trên phạm vi toàn thế giới. Trước khi chiến dịch bạc còn chưa kết thúc thì cần phải giữ vững chiến tuyến của vàng.

Chính sách lạm phát tiền tệ với quy mô lớn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ “đạo diễn” từ thập niên 30 đã khiến lượng tiền tệ phát hành ra thị trường vượt mức cho phép. Số tiền giấy phát hành vượt mức này đã đẩy giá vàng và bạc lên cao. Trong phạm vi nước Mỹ, Bộ Tài chính có trách nhiệm khống chế giá bạc, còn trên bình diện quốc tế, cần phải có một tổ chức đối ứng có thể thay thế chức năng của Bộ Tài chính, có trách nhiệm bán tháo vàng ra thị trường nhằm đánh tụt giá trị của vàng.

Thời đại máy bay đã tạo điều kiện cho các nhà Ngân hàng quốc tế có cơ hội thường xuyên gặp mặt để bí mật thương lượng đối sách. Vậy là Ngân hàng thanh toán quốc tế có trụ sở tại Basel – Thụy Sĩ – đã trở thành địa điểm diễn ra hội nghị “Basel cuối tuần” của họ.

Tháng 11 năm 1961, thông qua cuộc thương thảo tập trung, các nhà Ngân hàng quốc tế đã đạt được kế hoạch khá mỹ mãn – thành lập Quỹ hỗ trợ vàng (Gold Pool) với thành viên chính là Mỹ và 7 quốc gia lớn ở châu Âu. Tôn chỉ của Quỹ này là ép giá vàng tại thị trường London và khống chế nó trong mức 35,20 đô-la Mỹ/ounce. Trong mức giá 35,20 đô-la Mỹ/ounce đã bao gồm giá thành vận chuyển vàng từ New York.

Với tài lực hùng hậu, Mỹ đã gánh vác một nửa ngân sách của Quỹ này, còn Đức nhờ sự khởi sắc của nền kinh tế sau chiến tranh mà hầu bao cũng ngày càng rủng rỉnh. Tuy nhiên, vì là nước chiến bại nên tổng số tiền quyên góp của Đức cho Quỹ này chỉ ở mức 30 triệu đô-la, xếp sau Mỹ. Ba nước Anh, Pháp, Ý đều đóng mức mỗi nước 25 triệu đô-la, còn Thụy Sĩ, Vương quốc Bỉ và Hà Lan mỗi nước chi ra 10 triệu. Ngân hàng Anh phụ trách việc quản lý điều hành thực tế, xuất vàng trong kho ra chi trả, cuối tháng kết toàn theo tỉ lệ với ngân hàng trung ương của các nước thành viên.

Ngân hàng trung ương của các nước thành viên đảm bảo không mua vàng từ thị trường London hay các nước thứ ba như Nam Phi, Liên Xô. Mọi nội dung của Quỹ hỗ trợ vàng đều được bảo mật tuyệt đối. Giống như hội nghị bí mật truyền thống của Ngân hàng thanh toán quốc tế Basel, mọi thành viên không được phép ghi chép trên bất cứ văn bản nào, dù chỉ là ghi chép trên một mảnh giấy. Bất cứ một nghị định nào cũng đều được thông qua bằng miệng, giống như việc Morgan dùng việc bắt tay và lời nói để hoàn thành những cuộc giao dịch khổng lồ vậy. Sự thừa nhận bằng miệng của các nhà Ngân hàng quốc tế có sức trói buộc ngang bằng, thậm chí là cao hơn so với hợp đồng pháp lý.

Trong mấy năm đầu tiên hoạt động, “Quỹ hỗ trợ vàng” đã thu được thành công lớn, thậm chí còn vượt cả mong đợi. Vụ thu năm 1963 của Liên Xô – nước sản xuất vàng lớn trên thế giới – bị mất mùa nghiêm trọng, khiến cho nước này buộc phải bán rẻ một lượng lớn vàng để nhập khẩu lương thực. Chỉ trong một quý của năm 1963, Liên Xô đã bán ra tổng lượng vàng trị giá 470 triệu đô-la, vượt xa toàn bộ vốn tích lũy vàng của Quỹ hỗ trợ vàng. Trong 21 tháng, kho vàng của Quỹ hỗ trợ vàng đã tăng lên đến 1,3 tỉ đô-la, các nhà Ngân hàng quốc tế cơ hồ như không dám tin vào vận khí tốt lành của mình.

Nhưng diễn biến cuộc chiến tranh leo thang của Mỹ tại Việt Nam đã khiến cho Cục Dự trữ Liên bang phải không ngừng tăng thêm lượng cung ứng đồng đô-la khiến cho cơn đại hồng thủy nhanh chóng nuốt chửng toàn bộ vốn tích lũy của Quỹ hỗ trợ vàng. Nước Pháp đành tháo lui khỏi Quỹ hỗ trợ vàng, thậm chí còn nhanh chóng đem toàn bộ số đô-la hiện có đổi sang vàng. Từ năm 1962 đến năm 1966, nước Pháp đã hoán đổi được lượng vàng trị giá gần 3 tỉ đô-la từ tay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và vận chuyển về cất giữ ở Paris.

Đến cuối tháng 1 năm 1967, Quỹ hỗ trợ vàng đã mất một lượng vàng trị giá 1 tỉ đô-la Mỹ, tức là gần mức 900 tấn. Đồng đô-la Mỹ lúc này đã không còn giữ thế thượng phong, dân chúng trên toàn thế giới đã tỏ ra không tin tưởng vào đồng tiền này.

Tổng thống Johnson không thể ngồi yên và muốn làm một điều gì đó.

Bên cạnh Tổng thống Johnson có một nhóm các chuyên gia tham mưu cao cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Họ đã nhiều lần tham mưu cho Tổng thống rằng, thà dốc hết toàn bộ vàng hiện có và ném vào thị trường giao dịch tài chính London, giải quyết rốt ráo vấn đề tăng giá của vàng đối với đồng đô-la, lấy lại niềm tin của thế giới đối với đồng đô-la hơn là để cho nước ngoài rút sạch lượng dự trữ vàng như vậy.

Johnson đã tiếp thu đề xuất có vẻ điên cuồng này. Toàn bộ vàng dự trữ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đều bị đặt vào canh bạc có quy mô chưa từng thấy. Những kiện vàng hàng tấn đã bị xếp lên tàu để vận chuyển đến Ngân hàng Anh và ngân hàng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ở New York. Nếu như kế hoạch thuận lợi, ngân hàng Anh quốc và Ngân hàng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ở New York sẽ bắt tay nhau đồng loạt bán tháo vàng ra thị trường với số lượng lớn chưa từng thấy, khiến cho lượng cung ứng tăng lên đột biến, lúc này họ sẽ đánh tụt giá vàng xuống dưới 35 đô-la/ounce, đẩy các nhà đầu cơ vào trạng thái khủng hoảng toàn diện, tạo ra hiện tượng bán tháo vàng với số lượng còn lớn hơn nữa. Sau khi làm nhụt nhuệ khí của các nhà mua vàng, họ lại từ từ mua vàng vào với giá rẻ mạt, rồi bí mật đem vàng chuyển vào kho. Quả là một kế hoạch mỹ mãn.

Chỉ trong vòng mấy tuần đầu năm 1968, kế hoạch này được thực thi rốt ráo. Điều khiến Tổng thống Johnson và mọi người cực kỳ kinh ngạc là, thị trường đã hấp thu toàn bộ lượng vàng bán ra. Trong chiến dịch này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã mất tổng cộng 9300 tấn vàng. Tổng thống Johnson tham quyền lại hồ đồ đã một phen thua đau và tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo nữa.

Tháng 3 năm 1968, Quỹ hỗ trợ vàng đã bước đến bờ vực sụp đổ.

Ngày 9 tháng 3 năm 1968, trong văn bản ngoại giao của Rostow – trợ lý đặc biệt của Tổng thống Johnson đã có đoạn viết rằng:

“Kết luận của các chuyên gia cố vấn kinh tế là: thống nhất phản đối việc để giá vàng leo thang nhằm ứng phó với khủng hoảng trước mắt. Đa số nghiêng theo hướng duy trì sự hoạt động của Quỹ hỗ trợ vàng. Tuy nhiên, họ cho rằng có khó khăn trong việc thỏa thuận với phía châu Âu và rất khó khôi phục sự bình ổn của thị trường. Cho nên, các chuyên gia này cho rằng, chúng ta buộc phải đóng cửa Quỹ hỗ trợ vàng. Cách nghĩ của họ tương đối tự do. Họ không biết thuyết phục các quốc gia không phải là thành viên Quỹ hỗ trợ vàng hợp tác với chúng ta. Họ cảm thấy Quỹ tiền tệ quốc tế có thể phát huy được tác dụng. Họ cho rằng chúng ra cần phải có một cách nghĩ và lựa chọn hành động một cách rõ ràng: làm hay không làm trong thời gian 30 ngày.”

Lời bình: bạn có thể thấy, những cách nghĩ này không có sự khác biệt lắm với chúng ta. Sau Hội nghị Basel [Ngân hàng thanh toán quốc tế] cuối tuần này, chúng ta có thể hiểu được một cách chính xác cách nghĩ của người châu Âu.

Ngày 12 tháng 3, trong một văn bản khác, Rostow viết rằng:

“Thưa Tổng thống: Sự hiểu biết của tôi đối với Bill Martin (Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, vừa tham gia Hội nghị Basel buổi tối) bao gồm mấy điểm sau đây:

1.    Đối với sự biến động của giá vàng, người Anh và Hà Lan có thể tán đồng cách lựa chọn này (duy trì Quỹ hỗ trợ vàng). Người Đức thì do dự không quyết. Còn người Ý, Bỉ và Thụy Sĩ thì kiên quyết phản đối.

2.    Bill Martin đã đạt được thỏa thuận rằng, hầu hết mọi người đồng ý tăng thêm lượng vàng trị giá 500 triệu đô-la Mỹ và chấp thuận dùng 500 triệu đô-la Mỹ khác để đảm bảo sự vận hành tiếp tục của quỹ (nếu lấy tốc độ tổn thất vàng trên thị trường London trước mắt, lượng vàng này chỉ có thể chống đỡ trong thời gian mấy ngày).

3.    Người châu Âu ý thức được rằng, chúng ta sẽ nhanh chóng đối mặt với sự lựa chọn chẳng mấy vui vẻ. Họ đã chuẩn bị đóng cửa thị trường vàng London trong trường hợp bất đắt dĩ và thả nổi giá vàng.

4.    Trong tình huống này, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các cố vấn kinh tế của Tổng thống sẽ phải nghiêm túc xem xét vấn đề vì một khi chúng ta tuyên bố đóng cửa “Quỹ hỗ trợ vàng”, các nước sẽ phản ứng như thế nào.

5.    Chúng ta vẫn chưa biết quan điểm cá nhân của John Fowler (Bộ trưởng Tài chính) và Bill. Chúng ta sẽ trao đổi ý kiến với họ vào tối nay hoặc sáng mai.

Cảm nhận của cá nhân tôi là, chúng ta đang ngày càng cảm thấy dễ dàng hơn trong việc nhận biết được bản chất của sự việc.

Ngày 14 tháng 3, liên quan đến vấn đề vàng, Rostow báo cáo thêm:

“Các cố vấn cao cấp của ngài đã đạt được sự thống nhất cụ thể như sau:

1.    Tình hình hiện tại không thể tiếp tục được nữa, hy vọng sự tình có thể chuyển biến tốt.

2.    Cuối tuần này, chúng ta cần phải mở một hội nghị các nước thành viên Quỹ hỗ trợ vàng tại Washington.

3.    Chúng ta sẽ thảo luận về quy luật của vàng trong thời kỳ quá độ, phương pháp duy trì lâu dài thị trường tài chính, tăng cường thúc đẩy quyền rút tiền đặc biệt.

4.    Trong thời kỳ quá độ, chúng ta sẽ áp dụng việc hoán đổi vàng theo giá gốc đối với những người nắm giữ đô-la Mỹ ở các ngân hàng trung ương của Chính phủ.

5.    Nếu như không thể đạt được bất cứ thỏa thuận nào, chúng ta sẽ tạm ngừng việc đổi đô-la Mỹ sang vàng. Sau đó triệu tập một hội nghị khẩn cấp.

6.    Điều này sẽ có thể khiến cho thị trường tài chính thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn trong một khoản thời gian, nhưng đây là biện pháp duy nhất có thể thúc ép các quốc gia khác chấp nhận phương án lâu dài. Chúng ta thống nhất cho rằng, hậu quả của việc để giá vàng leo thang là tệ hại nhất.

Ngay bây giờ cần phải ra quyết định có nên lập tức đóng cửa thị trường vàng London hay không.

Cho dù có dùng cách gì đi nữa thì cũng chẳng ai có thể cứu vãn được số phận hẩm hiu của Quỹ hỗ trợ vàng. Ngày 17 tháng 3 năm 1968, kế hoạch đóng cửa Quỹ này đã diễn ra êm thấm. Hưởng ứng yêu cầu của Mỹ, thị trường vàng London cũng đã đóng cửa trong suốt hai tuần liền.

Cùng với sự thảm bại trong cuộc đại chiến với vàng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, diễn biến của cuộc chiến tranh Việt Nam cũng mang nhiều kịch tính. Ngày 30 tháng 1 năm 1968, du kích Việt Nam đã phát động tổng tấn công quy mô lớn đồng thời ở các tỉnh lỵ của 30 tỉnh ở Việt Nam, thậm chí đã chiếm được một số mục tiêu trọng yếu trong nội thành Sài Gòn, cố đô Thuận Hóa cũng bị đánh hạ. Quân du kích đã bỏ cách đánh thoắt ẩn thoắt hiện sở trường của mình mà tập trung chủ lực dàn trận đối đầu với quân Mỹ.

Sự thất bại thảm hại trên chiến trường tài chính lúc này đã khiến cho Johnson mất đi sức kiên trì đối với cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Sự thất bại thảm hại của thị trường vàng London đã khiến cho các bậc tinh anh Mỹ rơi vào khủng hoảng toàn diện. Giữa các nhân sĩ bảo thủ kiên trì với chế độ bản vị vàng và phái chủ lưu đòi phế bỏ bản vị vàng xảy ra tranh cải kịch liệt. Tuy nhiên, cả hai bên đều cho rằng, trong cục diện tài chính hỗn loạn như vậy, cuộc chiến tranh ở Việt Nam cần phải được kết thúc.

Ngày 27 tháng 2 năm 1968, Walter Cronkite “tiên đoán” nước Mỹ sẽ thất bại. Tờ Wall Street Daily chất vấn “tình thế có phải đã làm rối loạn mục tiêu mà chúng ta có thể khống chế trước đây hay không? Nếu như chưa chuẩn bị xong, thì người dân Mỹ cần phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận một viễn cảnh u ám của sự kiện Việt Nam”. Ngày 15 tháng 3 năm 1968,Tạp chí Times viết rằng, “Năm 1968 đã khiến người Mỹ trở nên cảnh giác hơn. Thắng lợi ở Việt Nam không phải là điều mà một Chính phủ mạnh nhất của thế giới (Mỹ) có thể với tới được”. Lúc này, các nghị sĩ đã ngó say quá lâu cũng bừng tỉnh trở lại. Nghị sĩ Fulbright bắt đầu chất vấn: “Chính phủ có được quyền mở rộng chiến tranh khi chưa được sự đồng ý của Quốc hội hay không?” Còn Mansfield thì tuyên bố: “Chúng ta đang ở một nơi sai lầm, theo đuổi một cuộc chiến sai lầm”.

Ngày 31 tháng 3 năm 1968, Johnson tuyên bố ngừng ném bom oanh tạc từ vĩ tuyến 20 trở ra miền Bắc Việt Nam. Ông còn nói rõ sẽ không gửi thêm quân đến Việt Nam đồng thời tuyên bố “Mục tiêu của chúng ta ở Việt Nam không phải là tiêu diệt kẻ thù”. Ông ta cũng tuyên bố sẽ không ra tranh cử trong nhiệm kỳ Tổng thống kế tiếp.

Nguyên nhân của việc kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam vẫn là sự thảm bại của chiến trường vàng London – một kết cục đau buồn đã dẫn đến sự suy kiệt về tài chính ở một tầng lớp tinh anh Mỹ.

Trích Song Hong Bing, Chiến Tranh Tiền Tệ Phần 1, Chương 7.

Đọc tiếp:

Nhận xét