Cuộc chiến trăm năm giữa các ngân hàng quốc tế và tổng thống Hoa Kỳ - phần 11

Đồng minh Nga của Lincoln

Sa hoàng Alexandre Đệ nhị
Sa hoàng Alexandre Đệ nhị

Khi các Quốc vương ở châu Âu đã chuẩn bị sẵn sàng để đem quân sang chia cắt nước Mỹ, Lincoln lập tức nhớ đến kẻ thù truyền kiếp của các Quốc vương châu Âu – nước Nga. Lincoln đã phái đặc sứ cầu cứu Sa hoàng Alexandre Đệ nhị. Khi nhận được thư của Lincoln, Sa hoàng không mở ra ngay mà nâng nâng trên tay, rồi nói rằng: “Trước khi mở bức thư này hoặc biết được nội dung của nó, chúng ta sẽ đồng ý trước bất cứ yêu cầu nào mà bức thứ đề xuất.”

Nguyên nhân Sa hoàng chuẩn bị tham gia quân sự vào cuộc nội chiến Mỹ có mấy mặt sau đây. Thứ nhất, đó là sự lo lắng “môi hở răng lạnh”, vì trong thời kỳ Alexandre Đại đế trị vì, các thế lực tài chính quốc tế từng quét sạch châu Âu đã gõ cửa điện Kremlin. Học theo kinh nghiệm của các quốc gia tài chính “tiên tiến” ở châu Âu, các ngân hàng cương quyết yêu cầu thành lập ngân hàng trung ương tư hữu, và Sa hoàng đã sớm nhận ra chiêu độc trong việc này nên đã kiên quyết từ chối yêu cầu này. Khi nhìn thấy Tổng thống Lincoln – một nhân vật phản đối các thế lực tài chính quốc tế - rơi vào tình cảnh nguy hiểm, Alexandre Đệ nhị lo lắng, nếu không ra tay tương trợ, chẳng mấy chốc mối nguy hiểm sẽ ập đến với chính mình. Một nguyên nhân khác là ngày 3 tháng 3 năm 1861 trước khi nổ ra cuộc nội chiến Nam – Bắc ở Mỹ, Alexandre Đệ nhị đã tuyên bố pháp lệnh giải phóng nông nô, và về vấn đề này, cả Alexandre Đệ nhị lẫn Lincoln đều có những quan điểm chung. Và còn một điều nữa là cuộc chiến tranh Crimean của nước Nga vừa mới kết thúc năm 1856 đã đại bại dưới tay của liên quân Anh – Pháp, vì thế Alexandre Đệ nhị chưa nguôi chuyện rửa hận.

Chưa tuyên chiến, vào ngày 24 tháng 9 năm 1863, dưới sự chỉ huy của tướng Liviski, hạm đội của Nga đã tiến vào cảng New York. Ngày 12 tháng 10, dưới sự chỉ huy của tướng Popov, hạm đội Thái Bình dương của Nga đã đến San Francisco. Đối với hành động của nước Nga, Wales đã bình luận rằng: “Họ đã đến khi miền Nam đang ở vào lúc triều lên còn miền Bắc ở vào thế triều xuống, Sự xuất hiện của họ đã tạo nên sự do dự của Anh và Pháp, cuối cùng đã cho Lincoln thời gian xoay chuyển được cục diện.”

Sau khi nội chiến kết thúc, để chi trả khoản phí tổng cộng 7,2 triệu đô-la Mỹ cho hạm đội nước Nga, Chính phủ Mỹ đã chần chừ kéo dài thời gian. Vì Hiến pháp không trao cho Tổng thống quyền chi trả chiến phí cho Chính phủ nước ngoài nên Tổng thống Johanson khi đó đã đạt được thỏa thuận dùng chính vùng đất Alaska mua của Nga để chi trả khoản chi phí chiến tranh. Trong lịch sử, vụ việc này được gọi là “Sự điên rồ của Seward.” Seward là Bộ trưởng Ngoại giao thời đó của Hoa Kỳ và đã bị dân chúng kịch liệt chỉ trích khi bỏ ra 7,2 triệu đô-la để đi mua lại một vùng đất hoang hóa không đáng một xu của Nga. Cũng vì một nguyên nhân tương tự mà Alexandre Đệ nhị đã bị hành thích vào năm 1867, nhưng vụ hành thích đã không thành công. Ngày 1 tháng 3 năm 1881, Alexandre cuối cùng cũng chết trong tay một thích khách.

 Trích Song Hong Bing, Chiến Tranh Tiền Tệ Phần 1, Chương 2.

Đọc tiếp:

Nhận xét