Cục Dự trữ Liên bang Mỹ: Ngân hàng trung ương tư hữu - phần 10

Ai nắm giữ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ?

Nhiều năm nay, vấn đề ai đang nắm giữ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn luôn là một đề tài kín như bưng. Bản thân Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn luôn quanh co úp mở. Giống như Ngân hàng Anh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng giữ kín thông tin về các cổ đông. Hạ nghị sĩ Wright Patman đảm nhận chức Chủ tịch Ngân hàng Hạ viện và Ủy ban tiền tệ đến 40 năm, trong đó có 20 năm liền ông không ngừng đề xuất phương án phế bỏ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, và ông cũng luôn để ý đến vấn đề rốt cuộc ai đang nắm giữ Cục Dự trữ Liên bang.

Bí mật cuối cùng đã được hé lộ. Eustace Mullins – tác giả cuốn sách Bí mật của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Secrets of Federal Reserve) – đã trải qua hơn nửa thế kỷ nghiên cứu và thu thập được 12 giấy phép kinh doanh (Organization Certificates) sớm nhất của ngân hàng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, trên đó ghi rõ ràng giá trị mỗi một cổ phần cấu thành của Cục Dự trữ Liên bang.

Ngân hàng New York của Cục Dự trữ Liên bang là ngân hàng khống chế thực tế hoạt động của hệ thống Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Tổng lượng cổ phần phát hành theo đăng ký trong văn bản gửi cơ quan kiểm toán ngày 19 tháng 5 năm 1914 là 203.053 cổ phần, trong đó:

 

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại Washington
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại Washington

National City Bank of New York dưới sự khống chế của công ty Rockerfeller và Kuhn Loeb, tức là tiền thân của Ngân hàng Hoa Kỳ, nắm giữ số cổ phần lớn nhất – 30.000 cổ phần.

First National Bank của Morgan nắm giữ 15.000 cổ phần.

Sau khi sáp nhập vào năm 1955 thành Ngân hàng Hoa Kỳ, hai công ty đã nắm giữ gần ¼ số cổ phần của Ngân hàng New York thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, và trên thực tế nó đã quyết định chiếc ghế Chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang. Việc Tổng thống bổ nhiệm chức Chủ tịch chỉ là hình thức mà thôi, còn việc lấy ý kiến Quốc hội lại càng giống một màn kịch.

Ngân hàng Thương mại Quốc gia New York (National Bank of Commerce of New York City) của Paul Warburg nắm giữ 21.000 cổ phần.

Hanover Bank của dòng họ Rothschild đảm nhận chức Chủ tịch với quyền sở hữu 10.200 cổ phần.

Chase National Bank nắm giữ 6.000 cổ phần. Bold nắm giữ 6.000 cổ phần.

Tổng cộng, sáu ngân hàng này đã nắm giữ 40% cổ phần Ngân hàng New York thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đến năm 1983, họ đã nắm giữ tổng cộng 53% lượng cổ phần. Sau khi điều chỉnh, tỉ lệ nắm giữ cổ phần của họ là: Ngân hàng Hoa Kỳ 15%, Chase Manhattan 14%, Morgan Guaranty Trust 9%, Manufactures Hanover 7%, Chemical Bank 8%.

Tổng vốn đăng ký của Ngân hàng New York thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ là 143 triệu đô-la, nhưng việc các ngân hàng kể trên có chi ra khoản tiền này hay không vẫn là một câu đố. Một số nhà sử học cho rằng các ngân hàng chỉ chi ra một nửa tiền mặt, trong khi một số nhà sử học khác thì cho rằng, về cơ bản, các ngân hàng không chi ra bất cứ tiền mặt nào mà chỉ dùng hối phiếu để chi ra, và trên tài khoản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ mà bản thân họ đang sở hữu chỉ là sự biến động của mấy con số mà thôi, còn sự vận hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực ra chính là việc “dùng giấy thế chấp phát hành ra giấy.” Chẳng thế mà một nhà sử học đã mỉa mai rằng, hệ thống ngân hàng dự trữ liên bang không mang tính chất “liên bang”, cũng chẳng có “dự trữ”, và cũng không phải là “ngân hàng” nốt.

Ngày 15 tháng 6 năm 1917, Ủy ban Đối ngoại của Chính phủ Thượng nghị viện Mỹ đã công bố báo cáo về lợi tức của các công ty chủ chốt của nước Mỹ. Báo cáo này cho thấy rằng, 470 vị trí thành viên Hội đồng quản trị là do người của 130 công ty chủ chốt nhất của Mỹ nắm giữ. Tính bình quân mỗi công ty chủ chốt có 3,6 ghế trong hội đồng quản trị thuộc các nhà tài phiệt ngân hàng.

Trong đó, Ngân hàng Hoa Kỳ đã khống chế 97 ghế Hội đồng quản trị, công ty JP Morgan – 99 ghế, Chemical Bank – 96 ghế, Chase Manhattan – 89 ghế, Hanover De – 89 ghế.

Ngày 3 tháng 9 năm 1914 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định bán cổ phần ra công chúng, tờ New York Times đã công bố cơ cấu của các ngân hàng chủ yếu như sau:

National City Bank đã phát hành 250.000 cổ phiếu, James Stillman nắm giữ 47.498 cổ phiếu, công ty JP Morgan nắm giữ 14.500 cổ phiếu, William Rockefeller nắm giữ 10.000 cổ phiếu, John Rockefeller nắm giữ 1.750 cổ phiếu.

Ngân hàng Thương mại Quốc gia New York đã phát hành 250.000 cổ phiếu, George Berk nắm giữ 10.000 cổ phiếu; công ty JP Morgan – 7.800 cổ phiếu; Mary Harriman – 5.650 cổ phiếu; Paul Warburg – 3.000 cổ phần; Jacob Schiff – 1.000 cổ phần, JP Morgan con 1.000 cổ phiếu.

Chase Bank, George Berk nắm giữ 13.408 cổ phiếu.

Hanover Bank, James Still nắm giữ 4.000 cổ phiếu, William Rockefeller nắm giữ 1.540 cổ phiếu.

Kể từ khi thành lập năm 1913 đến nay, Cục Dự trữ Liên bang đã cho thấy một sự thật không thể bao biện rằng các nhà tài phiệt đang thao túng mạch máu tài chính, công thương nghiệp và chính trị của nước Mỹ. Hơn thế nữa, các nhà tài phiệt phố Wall đều có mối quan hệ mật thiết với dòng họ Rothschild của thành London.

Benjamin Strong - CEO của Bankers Trust – được chọn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng New York thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khóa thứ nhất. “Dưới sự khống chế của Strong, hệ thống dự trữ liên bang đã hình thành mối quan hệ khăng khít chặt chẽ với Ngân hàng Anh và Ngân hàng Pháp. Benjamin Strong giữ chức Chủ tịch ngân hàng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ở New York mãi đến năm 1928 thì đột ngột tử vong trong khi Quốc hội đang điều tra hội nghị bí mật của Cục Dự trữ Liên bang cũng như giới chóp bu của ngân hàng trung ương châu Âu. Những hội nghị bí mật này đã dẫn đến cuộc đại suy thoái năm 1929.”

Hội đồng quản trị khóa một của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ

Về sau, Wilson đã tự thừa nhận rằng, ông ta chỉ được phép chỉ định một thành viên trong Hội đồng quản trị của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các thành viên còn lại đều do các nhà tài phiệt ngân hàng của New York lựa chọn. Trong quá trình đề cử và bổ nhiệm Paul Warburg vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, Thượng nghị viện yêu cầu ông phải có mặt tại Quốc hội để trả lời chất vấn vào tháng 6 năm 1914, chủ yếu là tìm hiểu vai trò của ông trong quá trình soạn thảo dự luật Cục Dự trữ Liên bang, nhưng rốt cuộc, Paul đã từ chối thẳng thừng. Trong thư gửi cho Quốc hội, ông tuyên bố rằng việc trả lời bất cứ chất vấn nào theo yêu cầu đều có thể sẽ ảnh hưởng đến vai trò của ông trong Hội đồng quản trị của Cục Dự trữ Liên bang, vì vậy ông quyết định từ chối việc tiếp nhận đề cử vào chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, tờ New York Times ngay lập tức lên tiếng minh oan cho Paul, và trong số ra ngày 10 tháng 7 năm 1914, tờ báo này đã chỉ trích Thượng nghị viện không nên chất vấn Paul một cách hồ đồ như vậy.

Hiển nhiên Paul là nhân vật trung tâm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Nếu không có ông, chắc chẳng có người thứ hai nào biết được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ rốt cuộc vận hành như thế nào. Đối mặt với thái độ cứng rắn của ông, Quốc hội chỉ còn cách gật đầu và đưa ra một danh sách các câu hỏi trước khi ông nhậm chức, và nếu như cảm thấy câu hỏi nào đó “sẽ ảnh hưởng đến vai trò của mình”, Paul có thể không trả lời, và cuối cùng thì Paul đã đành miễn cưỡng đồng ý, nhưng yêu cầu được gặp mặt phi chính thức.

Ủy ban hỏi: Tôi biết Ngài là người của Đảng Cộng hòa, nhưng ngay khi Roosevelt tham gia tranh cử thì Ngài lại trở thành người đồng tình và ủng hộ Wilson (Đảng Dân chủ)?

Paul đáp: Đúng vậy.

Ủy ban hỏi: Nhưng anh của Ngài [Felix Warburg] lại ủng hộ Taft (Đảng Cộng hòa)?

Paul đáp: Đúng vậy.

Điều thú vị là, ba cổ đông của công ty Kuhn Loeb lại ủng hộ ba người khác nhau ra tranh cử Tổng thống, trong số đó có Otto Kahn ủng hộ Roosevelt cha. Giải thích của Paul là ba người này không can thiệp vào quan điểm chính trị của nhau, bởi vì “tài chính và chính trị không liên quan đến nhau.”

Paul vượt qua cuộc điều trần của Quốc hội một cách thuận lợi, trở thành Chủ tịch thứ nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, sau đó trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Ngoài Paul ra, bốn thành viên khác của hội đồng là:

Adolph Miller, nhà kinh tế học, xuất thân từ Đại học Chicago do Rockefeller tài trợ và Đại học Harvard do Morgan tài trợ.

Charles Hamlin, từng đảm nhiệm chức trợ lý Bộ trưởng Tài chính.

Frederick Delano, thông gia của Roosevelt, nhà tài phiệt ngân hàng đường sắt.

W.P.G Harding, Chủ tịch First National Bank ủa Atlanta.

Thomas D. Jones được Tổng thống Wilson đích thân tiến cử đã bị Bộ tư pháp Mỹ điều tra và khởi tố, về sau tự rút lui khỏi Hội đồng quản trị.

Hai thành viên khác là Bộ trưởng Tài chính và Kiểm toán viên tiền tệ.

Trích Song Hong Bing, Chiến Tranh Tiền Tệ Phần 1, Chương 3.

Nhận xét