Tầm quan trọng của sự tha thứ trong đời sống chúng ta. Phần 2

Tha thứ vẫn luôn có tính cách thời sự, cả trong thế giới trần tục của chúng ta.

Tầm quan trọng của sự tha thứ trong đời sống chúng ta
Tha thứ vẫn luôn có tính cách thời sự.
>> Tầm quan trọng của sự tha thứ trong đời sống chúng ta. Phần 1

Không cần phải mất nhiều thời gian lắng nghe người khác thổ lộ mới nhận ra sự cần thiết nóng bỏng của tha thứ. Quả thực, chẳng ai thoát khỏi những tổn thương do mất mát, chán nản, phiền muộn, đau buồn vì tình, phản bội, v.v... 

Những khó khăn trong cuộc sống được tìm thấy rất nhiều ở khắp mọi nơi: những xung đột giữa vợ chồng, trong gia đình, giữa những người yêu phải chia tay, giữa vợ chồng ly thân - ly dị, giữa chủ và thợ, giữa bạn bè, giữa láng giềng, giữa các chủng tộc hay quốc gia. 

Một ngày nào đó, tất cả đều cần đến sự tha thứ nhằm tái lập hòa bình và tiếp tục chung sống với nhau. Trong cuộc lễ kỷ niệm 50 năm thành hôn, có người hỏi bí quyết của đôi vợ chồng. Người vợ trả lời : "Sau một cuộc cải vả, không bao giờ chúng tôi đi ngủ mà không xin lỗi lẫn nhau".

Ðể khám phá ra tất cả tầm quan trọng của tha thứ trong các mối tương quan nhân loại, chúng ta hãy thử tưởng tượng một thế giới không có tha thứ sẽ như thế nào. Ðâu là những hậu quả trầm trọng của nó ? Có lẽ người ta sẽ bị kết buộc trong bốn chọn lựa sau đây, mà chúng ta sẽ khảo sát cặn kẻ hơn:

1. Duy trì mãi bên trong mình và trong kẻ khác sự sai trái mà ta đã phải gánh chịu
2. Sống trong sự oán giận
3. Bám chặt vào quá khứ
4. Trả thù.

Sự tha thứ là chìa khóa mở cánh cửa oán trách và chiếc còng tay của hận thù. Nó là thứ sức mạnh có thể phá vỡ xiềng xích của cay đắng và gông cùm của lòng ích kỷ. - William Arthur Ward

1. Duy trì mãi bên trong mình và trong kẻ khác sự sai trái mà ta đã phải gánh chịu.

Khi ai đó bị tác hại đến toàn bộ thể lý, thể tinh thần hay niềm tin thiêng liêng, thì có cái gì đó nghiêm trọng sản sinh bên trong họ. Một phần cơ thể của họ bị va chạm, xé nát, bị hoen ố và xúc phạm, dường như sự độc ác của kẻ tấn công/xúc phạm đã động đến cái tôi thâm sâu của mình. Họ trở nên có khuynh hướng bắt chước kẻ đã xúc phạm đến mình, giống như bị lây nhiễm phải một thứ vi trùng truyền nhiễm.
Kẻ bị lừa dối trở thành kẻ giả dối.

Dựa vào sự bắt chước ít nhiều có ý thức đó. Họ bị đưa đẩy, đến phiên mình, họ tỏ ra độc ác, hành hạ lên chính mình, lên kẻ đã xúc phạm mình, và cả những người vô tội khác, mà chính họ có thể không nhận thức được mình đã bắt chước kẻ xúc phạm!

Một người đàn ông sống với một người đàn bà mới ly dị ít lâu chia sẻ với tôi những khó khăn mà ông ta cảm thấy trong cuộc sống của họ. Ông nói : "Ðôi khi tôi có cảm tưởng như nàng bắt tôi phải trả giá cho những điều bậy bạ mà người chồng cũ của nàng đã bắt nàng phải chịu đựng".

Sự bắt chước kẻ tấn công mình là một cơ chế tự vệ rất phổ biến trong khoa tâm lý. Bởi một phản xạ sinh tồn, nạn nhân đồng nhất hóa với kẻ đã gây nên sự xúc phạm.

A xúc phạm B và B trở thành A rồi B xúc phạm lên C bằng chính những gì mà B đã bị A xúc phạm, nói một cách khác B đã tái hiện lại sự xúc phạm của A lên C.

Trong cuốn phim "Ðan Mạch tuyệt vời", nhân vật Pélé - kẻ chinh phục, người ta không trình bày rõ làm sao một đứa trẻ dịu dàng như Pélé lại thích thú lấy roi quất túi bụi đứa bạn chậm trí của nó. Mọi sự trở nên rõ ràng khi nhớ lại rằng Pélé chỉ tái diễn trên một đứa trẻ vô tội bằng lối ứng xử của kẻ giữ trang trại đã hạ nhục Pélé với những lằn roi trong quá khứ.

Chúng ta cũng tìm thấy cùng hiện tượng đó trong phim sinh học của Lawrence d'Arabie. Chúng ta chứng kiến sự thay đổi tính tình của vị anh hùng. Sau khi bị tra tấn, ông ta trở nên một người hoàn toàn khác. Từ một tính tình ôn hòa và nhân ái, ông trở nên hung hăng và tàn bạo. Biết bao kẻ tấn công tình dục và lạm dụng thô bạo chỉ là lặp lại những hành động hung bạo mà chính họ đã phải gánh chịu trong thời thơ ấu chăng?

Trong việc điều trị tâm lý có tính cách gia đình, chúng ta thường nhận thấy rằng trong những hoàn cảnh bị ứng suất*, ví dụ như trẻ con bắt chước theo những lối ứng xử tương tự với những lối ứng xử của cha mẹ chúng.

*ứng suất: tác nhân bên ngoài tác động lên chủ thể gây ức chế và chủ thể đó có thể có xu hướng bắt chước các tác nhân đó để gây tác động lên chủ thể khác. 
vd: trong gia đình, người cha hay có hành vi quát tháo, bạo hành lên con cái, những hình ảnh xấu đó tác động đến con trẻ và về sau các con khi có gia đình có thể sẽ có xu hướng ăn nói lớn tiếng, bạo lực như người cha.
Hoặc ví dụ về Mẹ chồng hay có thái độ cay nghiệt, hành hạ nàng dâu, nàng dâu đã chịu cơn ứng suất từ mẹ chồng và sau này cũng trở thành Mẹ chồng và lại tác động lên nàng dâu khác - 1 vòng lặp khó có hồi kết!

Cũng thế, chúng ta có trước mắt gương của những nước đã sử dụng cho các dân tộc khác chính những sách lược phi đạo đức mà bản thân nước đó đã phải chịu đựng trong thời gian bị xâm lược, đàn áp.

Tôi không có ý nói ở đây về sự trả thù chính hiệu, nhưng muốn nêu rõ những phản xạ tiềm ẩn trong vô thức cá nhân hoặc tập thể. Chính vì thế, trong việc tha thứ, chúng ta không chỉ dừng lại ở chỗ không trả thù, mà còn phải dám đi cho tới tận gốc rễ của những khuynh hướng bạo lực lệch lạc để đánh bật chúng ra khỏi mình, và để chặn đứng các hậu quả tàn phá của chúng trước khi quá muộn – ví dụ như nhiều cá nhân sau khi bị xúc phạm đã không còn giữ được phẩm chất cao quý của mình và lặp đi lặp lại hành vi xúc phạm lên hết người này rồi đến người khác và sau mỗi lần như vậy họ luôn chìm đắm trong nổi ray rức, dằn vặt, oán trách của lương tâm, mãi không thể thoát ra khoải vòng lặp sai trái đó!

Bởi vì những thiên hướng đối nghịch và thống trị kẻ khác như thế có nguy cơ được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, trong các gia đình cũng như trong các nền văn hóa. Chỉ có sự tha thứ mới có thể bẻ gãy những phản ứng dây chuyền này, chặn đứng những hành vi lặp đi lặp lại của việc trả thù, hầu biến đổi chúng thành những hành vi sáng tạo sự sống -lấy ân báo oán.

2. Sống trong một mối oán giận đã được định trước.

Tôi tin rằng sẽ có lúc tất cả mọi người đều cảm thấy mình thật sự hạnh phúc khi biết xoá đi cái biên giới thù nghịch trong lòng mình. - Trịnh Công Sơn

Biết bao nhiêu người đau khổ phải sống trong một mối oán giận thường kỳ - được định trước. Hãy lấy trường hợp của những người ly dị. Những cuộc nghiên cứu mới đây về các hậu quả về lâu về dài của việc ly dị đã minh chứng rằng một số lớn những cặp vợ chồng đã ly dị, đặc biệt các bà vợ, vẫn còn tiếp tục nuôi dưỡng trong lòng nhiều nỗi oán giận đối với người phối ngẫu cũ, ngay cả sau mười lăm năm chia tay. 

Trong kinh nghiệm lâm sàng (tiếp xúc, thâm khám với bệnh nhân) của tôi, tôi có cơ hội để nhận thấy rằng một số phản ứng tình cảm quá trớn chỉ là sự phục hồi của một tổn thương trong quá khứ không được chữa lành cho đúng. Quả thế, sống buồn giận, dù là cách vô thức, làm tiêu hao nhiều nghị lực và nuôi dưỡng cơn ứng suất đã được định sẵn trước đó. 

Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn cái gì xảy ra nếu nhớ luôn trong trí óc sự khác biệt giữa sự oán giận sản sinh ra ứng suất và sự tức giận không làm điều đó. 

Sự tức giận là một xúc cảm tự nó vô thưởng vô phạt và sẽ tan biến một khi đã được bộc lộ ra, trong khi đó sự oán giận và thù ghét tồn tại như một thái độ tự vệ luôn luôn cảnh giác chống lại mọi sự tấn công có thực hoặc tưởng tượng. 

Như thế người bị xúc phạm hay bị làm nhục trong tuổi thơ, quá khứ sẽ trở nên nhất quyết không bao giờ để bị ngược đãi nữa. Nó thường xuyên đề cao cảnh giác. Hơn nữa, nó còn có khuynh hướng nghĩ ra những chuyện âm mưu hay tấn công có thể chống lại nó từ kẻ khác.

Chỉ có sự chữa lành được thực hiện sâu xa bởi việc tha thứ mới có thể mang lại phương dược cho tình trạng căng thẳng nội tâm này.

Sự oán giận mưng mủ từ một thương tổn không được chữa lành đúng cách cũng có những hậu quả gây hại khác. Nó là nguyên nhân của nhiều chứng bệnh tâm lý và thể lý. Sự ứng suất tạo nên bởi oán giận tấn công ngay vào hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch luôn luôn ở tình trạng báo động sẽ không còn biết khám phá ra kẻ thù nữa. Nó không còn nhận ra các tác nhân gây bệnh nữa. Nó còn tấn công ngay cả các bộ phận lành mạnh mà nó được coi như phải bảo vệ. 

Người ta giải thích như thế về sự phát sinh nhiều chứng bệnh như chứng viêm khớp, chứng xơ cứng động mạch, chứng xơ cứng từng mảng, những bệnh về tim mạch, tiểu đường, v.v… Giữa những chiến lược tự vệ chống lại những hậu quả có hại của sự oán giận, bác sĩ Redford(bác sĩ tâm lý tâm thần học) khuyên thực tập thường xuyên tha thứ trong cuộc sống mỗi ngày.

Sau khi mô tả các cuộc nghiên cứu khoa học khác nhau về mối liện hệ nhân quả giữa các trạng thái tình cảm tiêu cực và sự xuất hiện bệnh ung thư, bác sĩ Carl Simonton là một chuyên gia về X quang và ung thư chứng minh rằng sự tha thứ vẫn là phương tiện tốt nhất để vượt thắng nỗi oán giận gây hại của mình. Nhờ một kỹ thuật tranh ảnh tâm thần, ông mời những người bị ung thư cầu chúc điều tốt lành cho ông hay bà nào đã làm họ bị tổn thương.

Những ai sử dụng một kỹ thuật như vậy đã cảm nhận một sự giảm bớt rõ rệt cơn ứng suất của họ. Họ cảm thấy mạnh mẻ hơn để chống lại bệnh tật của mình. Thật là ngạc nhiên một tiếp cận đơn giản như thế với sự tha thứ lại có thể làm phát sinh những hiệu quả tốt đến vậy.

Khi chúng ta căm hận kẻ địch, chúng ta cho họ quyền lực trước chúng ta: quyền lực đối với giấc ngủ của ta, sự ngon miệng của ta, huyết áp của ta, sức khỏe của ta, và hạnh phúc của ta. - Dale Carnegie

3. Bám chặt vào quá khứ.

Đừng để cuộc đời bạn trôi qua một cách vô nghĩa khi mãi chìm đắm trong ký ức, lỗi lầm của quá khứ hay quá lo lắng về tương lai. Hãy sống trọn vẹn cho giây phút hiện tại bằng tất cả nhiệt huyết của trái tim mình.

Người không muốn tha thứ hay không thể tha thứ sẽ sống thời khắc hiện tại một cách khó khăn. Y khư khư bám chặt vào quá khứ, và bởi chính sự kiện đó, tự buộc tội mình làm hỏng hiện tại, hơn nữa làm ách tắc tương lai của mình(tự giới hạn mình về mặt tri thức – cố chấp không tiếp thu; cảm xúc – không gia tăng mở rộng cảm nhận; thể xác – không chăm vận động nâng cao sức khỏe, chỉ vì nổi ám ảnh cũ).

Trong vở diễn Hành Trình Trong Đêm(Le voyage dans la nuit) của Eugene O'Neill, Mary Tyrone bị kiệt lực vì cứ nghiền ngẫm không ngừng một quá khứ nặng nề và khép chặt với tha thứ. Nàng trở thành một gánh nặng và một nguồn phiền muộn cho các phần tử trong gia đình. Chồng nàng khổ sở van xin : "Maria ơi, vì tình yêu thiên đàng, xin em hãy quên quá khứ đi!". Nàng đáp lại : "Tại sao? Làm sao em có thể quên đi được? Quá khứ, chính là hiện tại, không. Quá khứ, cũng chính là tương lai. Chúng ta đều cố gắng thoát ra khỏi đó, nhưng cuộc đời lại không cho phép mình".

Trước sự bất lực tha thứ của mình, đời sống nàng bị đông cứng. Việc nhớ lại quá khứ trở về làm tăng thêm nỗi đau khổ cố hữu của nàng. Thời khắc hiện tại bị tả tơi trong những sự nghiền ngẫm vô ích: thời gian trôi đi không hạnh phúc, niềm vui có thể có được từ những quan hệ con người bị mờ nhạt. Tương lai bị bít lại và đe dọa: không còn những mối liên hệ tình cảm mới, không còn những dự tính mới… Cuộc sống đóng neo trong quá khứ.

Kinh nghiệm lâm sàng của tôi với những người đau buồn vì cái chết hay sự chia ly với một người thân yêu chứng minh cho tôi thấy rằng sự tha thứ là đá thử vàng cho phép kiểm chứng xem sự thanh thoát đối với một người yêu mến đã đạt tới cùng chưa.

Sau khi giúp người đó nhận ra vết thương, lau chùi vết thương tình cảm và khám phá ra ý nghĩa vết thương của y, tôi mời y thực hiện một cuộc tha thứ: tha thứ cho chính mình, để loại bỏ nơi y mọi dấu vết của mặc cảm tội lỗi, và tha thứ cho người thân yêu đã khuất, ngõ hầu xua đuổi mọi nỗi oán giận còn lại gây nên bởi sự chia lìa. 

Trong quá trình làm tang lễ cho người đã mất, sự tha thứ được phô bày một giai đoạn quan trọng và quyết định. Chính nó chuẩn bị cho tâm hồn bước sang giai đoạn kế tiếp, đó là giai đoạn thừa kế di sản mà người thọ tang lấy lại được tất cả những gì nó đã yêu quý nơi người kia. Sau này tôi sẽ mô tả cặn kẻ hơn giai đoạn thừa kế này cũng như nghi thức cho phép nhận lãnh di sản ấy.

4. Trả thù.

Trước khi bạn bắt đầu hành trình trả thù, hãy đào sẵn hai mồ trôn – Khổng Tử

Những hậu quả đầu tiên của cuộc sống không tha thứ chẳng mang lại gì làm thỏa lòng cả, như chúng ta vừa nhận định:

  • Ðâu là di chứng của sự trả thù? 
  • Nó có đưa ra những viễn cảnh tốt đẹp hơn không? 

Chắc chắn nó là câu trả lời có tính cách bản năng nhất, tự phát nhất đối với điều lăng nhục. Tuy nhiên, JM. Pohier viết rằng tìm sự bù trừ nỗi đau khổ của mình bằng cách gây đau khổ cho kẻ xúc phạm mình, chính là nhìn nhận cho sự đau khổ một tầm mức thần diệu mà còn lâu nó mới có!

Dĩ nhiên việc nhìn thấy kẻ xúc phạm mình bị hạ nhục và đau khổ tạo nên cho người trả thù một vui khoái say mê. Nó thoa một thứ dầu thơm tạm thời lên nỗi đau riêng tư và lên nỗi nhục nhã của y. Nó làm cho người bị xúc phạm có cảm giác như không còn cảm thấy cô đơn trong nỗi bất hạnh nữa.

Nhưng sẽ phải trả giá nào? Ðó là một sự thỏa mãn ngắn ngủi không có triển nở thực sự và không có tính sáng tạo trong các mối quan hệ.

Một cách nào đó, trả thù là một thứ công lý có tính bản năng. Nó nhằm tái lập một sự bình đẳng đặt nền tảng trên nỗi đau khổ gây ra cho cả hai bên. Trong truyền thống Do thái giáo, luật phạt ngang "mắt đền mắt, răng đền răng" có mục đích quy định việc trả thù. Nó muốn giảm nhẹ những lời nói của Lamek, con trai Cain, đã tuyên bố với các bà vợ: "Ta đã giết một mạng người vì một vết thương, một đứa trẻ vì một sầy sướt. Phải, Cain sẽ được trả thù gấp bảy lần, nhưng Lamek sẽ được bảy mươi lần bảy!" (Stk.4, 23-24). 

Bản năng trả thù làm mù quáng kẻ nhượng bộ nó(kẻ cho phép hành động trả thù xảy ra). Làm sao có thể lượng định được giá trị chính xác của một đau khổ để đòi hỏi người có lỗi phải chịu một đau khổ tương đương?

Quả thực, kẻ xúc phạm và người bị xúc phạm đều không ngừng leo thang, khiến càng ngày càng khó phán đoán sự ngang nhau của các thương tổn. Hãy lấy ví dụ cổ điển nợ máu của người đảo Corse trong đó cái chết của những người vô tội cứ kế tục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dĩ nhiên những sự trả thù trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta ít đẫm máu hơn. Nhưng không phải là ít thiệt hại hơn đối với các mối quan hệ giữa người với người.

Khi ở trong bầu khí trả thù, người ta thường quên đi tác động phá hoại của sự trả thù trên toàn thể môi trường. Chẳng hạn, ở một trường học kia, sự xung đột cá nhân giữa vị giám đốc và một giáo sư đã biến thành một trận chiến giữa hai lập trường của đoàn giáo sư. Mức độ ngờ vực và ứng xử không công minh lan ra cả nơi các học viên. Bầu không khí làm việc và học tập vì thế mà ngày càng trở nên nặng nề và khó nhọc.

Cũng cần phải ghi nhận tầm quan trọng tiên quyết của một thái độ tha thứ nơi các nhân vật nắm giữ quyền bính. Nếu họ để bị lôi kéo bởi tinh thần trừng phạt nhân danh xã hội của mình thì sự xung đột sẽ đạt tới những tầm mức kinh khủng và không thể kiểm soát được nơi những người thuộc quyền của họ.

Thỏa mãn mà sự trả thù mang lại kéo dài rất ngắn ngủi. Nó không thể nào bù trừ nổi các thiệt hại mà nó sẽ gây nên trong các mối quan hệ giữa người với người. Ngoài ra, sự trả thù sẽ phát động những chu kỳ bạo lực khó mà bẻ gãy. Nỗi ám ảnh phục thù chẳng đóng góp gì để chữa lành vết thương của người bị xúc phạm, song hoàn toàn ngược lại, nó đầu độc y.

Hơn nữa, không nên nghĩ rằng chỉ nguyên quyết định không trả thù kiến tạo được sự tha thứ. Tuy nhiên, không trả thù vẫn là bước đầu tiên quan trọng và có tính cách quyết định để dấn thân trên con đường tha thứ.

(còn tiếp)

Nhận xét