Một trích đoạn hay về Immanuel Kant

Quy tắc cho hạnh phúc có việc gì đó để làm, có ai đó để yêu thương, có điều gì đó để hy vọng - Immanuel Kant.

Quy tắc cho hạnh phúc: có việc gì đó để làm, có ai đó để yêu thương, có điều gì đó để hy vọng - Immanuel Kant.

Ngày 22 tháng 4 năm 1764 Kant chính thức bước qua tuổi 40. Đối với Kant điều này có ý nghĩa rất lớn. theo quan điểm của ông thời điểm này là một thời điểm quan trọng vì chỉ khi nào con người được 40 tuổi hắn mới đạt đến sự trường thành thực sự. Ngoài sự trưởng thành trong việc sử dụng lý tính đây là lúc con người mới thực sự có một tính cách (charakter). Tính cách không phải bẩm sinh. Nó cũng không phải tình cờ đem lại cho ta. Nó chính là một sáng tạo của ta. Tạo ra cho bản thân một tính cách tốt đẹp là thành tựu cao nhất của đạo đức cá nhân. Chỉ khi nào chúng ta có một tính cách thì chúng ta mới thực sự là những hữu thể có giá trị luân lý. Nghĩa vụ thực sự của con người là hình thành cho mình một tính cách. Tâm lý học đạo đức của Kant chính là tâm lý học về tính cách. Một người có tính cách là người biết sống theo châm ngôn đạo đức cao nhất tự đặt ra cho chính bản thân mình: sống trung thực với chính mình và người khác. Trong các bài giảng về nhân học của Kant nói rõ điều này: chỉ khi nào đủ 40 tuổi, có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, còn người đã có một sự hiểu biết đúng đắn về sự vật, lúc đó là thời điểm tốt nhất để xây dựng tính cách.
Tính cách được xây dựng trên những châm ngôn? Nhưng châm ngôn là gì? Châm ngôn nào? Thuật ngữ này Kant dùng rất nhiều trong đạo đức của ông. Châm ngôn là những lời khuyên răng (precepts) hay những nguyên tắc mà chúng ta rút ra được từ trong sách vở hay cuộc đời và sống theo những lời khuyên răng hay giáo huấn đó: "Ở hiền gặp lành", "Cây ngay không sợ chết đứng", "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân",v.v... Điều này chứng tỏ rằng chúng ta là những sinh vật có lý tính, biết điều khiển cuộc đời mình thông qua những nguyên tắc chứ không thể vật dục lôi kéo, sai khiến. Nhưng Kant nhấn mạnh, các châm ngôn không phải do chúng ta ngồi trong phòng tự mình suy luận ra được. Chúng ta là những diễn ngôn của cộng đồng, xã hội, truyền thống. Những cuộc trao đổi, tranh luận với bạn bè về những vấn đề đạo đức chẳng hạn, chính những cuộc tranh luận đó là cách tốt nhất để giúp chúng ta đi tìm những quy tắc sống cho đời mình. Các quy tắc đó đã có sẵn, chung quanh chúng ta, chỉ chờ chúng ta chọn lựa và chấp nhận.

Hơn nữa, không nên hiểu lầm rằng các châm ngôn sống chỉ liên quan đến các nội dung luân lý. Kant tin rằng mọi tình huống xử lý trong cuộc sống đều có châm ngôn phù hợp. Vấn đề là chúng ta đi tìm ra chúng để sống xứng đáng với vai trò một hữu thể có lý tính, sống theo nguyên tắc, có kỷ luật, không bao giờ để dục vọng bản năng lôi kéo (Kant hoàn toàn làm theo lời ông giảng dạy cho học trò, ngay cả chuyện hôn nhân mà ông cũng không cho bản năng yêu đương quyết định). Châm ngôn phải là những quy tắc sống thật sự, chi phối mọi quyết định cho chúng ta, chúng không mang tính tạm thời hay tình huống. Ví dụ: bạn quyết định sẽ ăn chay trường nhưng khi dự đám cưới thì... "ai sao mình vậy", đó không phải là châm ngôn theo nghĩa của Kant. Trung thành và kiên định với các quy tắc sống (lebensregeln) đã chọn lựa là bản chất của châm ngôn và của con người có tính cách đạo đức. Người không có tính cách cũng là người không có châm ngôn hay quy tắc nào để hướng dẫn mọi tư duy và hành động trong cuộc sống. Chỉ có người nào có được một tính cách kiên định mới có thể được xem là người tốt. Người tốt không thể nay tốt mai xấu, tốt theo kiểu đột xuất hay ngẫu hứng được. Là người tốt có nghĩa là người sống theo các quy tắt tốt. Giá trị của con người tùy thuộc vào các quy tắc sống (châm ngôn) mà chúng ta chọn lựa. Ví dụ, theo quy tắc của Kant châm ngôn rất phổ biến ở Việt Nam: "Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy", rõ ràng là một châm ngôn vô đạo đức, vì thật ra nó chẳng có ý nghĩa gì hơn là sống tùy thời, cơ hội, gặp Phật dâng hoa, gặp ma hợp tác, không xây dựng nên một nguyên lý kiên định nào hết. Châm ngôn "Yêu người hàng xóm như yêu chính bản thân ngươi!" hay "Giữ cho tâm được thanh tịnh!" "Luôn thực hành chánh niệm!" có giá trị luân lý rất cao vì nó khó khăn nhất, đòi hỏi sự kiên định cao nhất. Tóm lại, tính cách đạo đức của một cá nhân phải được xây dựng trên các quy tắc sống của lý tính, không được xây dựng trên bản năng, tình cảm, hay bất kỳ thứ gì khác.

- Trích sách "Triết luận Đông Tây từ Maitreya đến Martin Heidegger, TS. Dương Ngọc Dũng, trang 276-277"

Nhận xét