Ở phố Wall, ngay cả tổng thống cũng bị "đuổi khéo"

Ở phố Wall, ngay cả tổng thống cũng bị "đuổi khéo"

Ngày 14 tháng 9 năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama ghé đến Phố Wall với phong thái đầy tự tin. Chuyến đi của ông có hai mục đích: Một là "ra mắt" các ông lớn của Phố Wall, hai là thúc giục họ hỗ trợ cải cách tài chính.

Tại thời điểm này, tổng thống đang cảm thấy khá ổn về bản thân, khẩu hiệu tranh cử của ông: "Chúng ta phải thay đổi", đã trở thành một câu nói đầy sức hiệu triệu mà ai cũng biết đến. Người Mỹ đang vật lộn trong cuộc khủng hoảng tài chính, nạn thất nghiệp lan tràn hay tình trạng nợ nần chồng chất cũng không thể sánh với nổi đau mất nhà, và thủ phạm hàng đầu của cuộc khủng hoảng - Phố Wall lại đường đường chính chính nhận được tiền từ người đóng thuế, nghiễm nhiên đút túi một khoản tiền thưởng khổng lồ còn lớn hơn cả trước giai đoạn khủng hoảng. Một điều tréo ngoe như vậy há có thể khiến dân chúng Mỹ giữ được bình tĩnh? Cảm xúc đối với Phố Wall trong xã hội Mỹ đã leo thang từ bất mãn đến giận dữ và thậm chí là thù hận. Người Mỹ rất cần một vị tổng thống anh hùng, người có thể thay đổi đất nước, và Obama tự cho rằng ông chính là người hùng đó.

Obama cũng có lý do để tự tin, đó là vì ông chính là vị cứu tinh của Phố Wall. Chính phủ Mỹ do ông đứng đầu đã phải dốc mọi vốn liếng trong chiến dịch giải cứu Phố Wall. Hết đợt này đến đợt khác, gói cứu trợ ngân hàng, tiền đóng thuế trong kho bạc liên tục lấp vào hố đen tài sản khổng lồ của Phố Wall. Quy mô của cuộc giải cứu hữu hình là chưa từng có, nhưng cuộc"truyền máu" vô hình còn đáng kinh ngạc hơn. Tại thời điểm vận mệnh của cả Phố Wall đang bị đe dọa, chỉ riêng cuộc giải cứu thanh khoản tạm thời của Cục Dự trữ Liên bang đã có quy mô lên tới 16 nghìn tỷ đô-la, cao hơn rất nhiều so với gói cứu trợ tài chính. Ngoài ra còn phải kể tới chính sách QE(nới lỏng định lượng) quy mô lớn chẳng khác gì hút cạn máu của người đóng thuế để thỏa mãn lòng tham của Phố Wall với cái giá là đồng tiền mất giá và thâm hụt cực lớn. Thế nên theo góc nhìn của Obama, Phố Wall nợ ông "sâu hơn cả núi, dài hơn cả sống".

Thật trùng hợp khi hôm đó lại chính là kỷ niệm một năm "ngày giỗ" của Lehman Brothers. Đây cũng là một ngày tốt lành để tổng thống công bố kế hoạch cải cách tài chính của Phố Wall. Khi gặp mặt họ ông có thể hồi tưởng quá khứ, cảm thán hiện tại và hiệu triệu lòng người để tất cả cùng đồng lòng với đại nghiệp đổi mới, các ông lớn Phố Wall nghe xong hẳn phải biết tự hổ thẹn, dặn lòng khiêm tốn, thành thật cải tạo, sẵn sàng quay về với "chính đạo". Mang theo tâm thế của một vị cứu tinh vĩ đại, Obama bước lên bục diễn giảng của Phố Wall với tinh thần phấn chấn, đường hoàng, và chủ đề trọng tâm của ông là khiến lòng tham của Phố Wall phải "trả giá".

Kết quả là, Obama đã rất ngạc nhiên khi chẳng có ông lớn nào của Phố Wall đến dự! Theo cách nói của tờ Wall Street Journal thì: "Không có giám đốc điều hành của một ngân hàng lớn nào của Mỹ tham dự (bài phát biểu của tổng thống)."

Tạo sao lại xảy ra chuyện này?

Lẽ nào các ông lớn không biết tổng thống sắp đến Phố Wall hay sao? Tất nhiên là biết. Thông báo về bài phát biểu của tổng thống đã được chuyển đến tận tay họ. Các phương tiện truyền thông đại chúng rầm rộ đưa tin, tất cả mọi người ở New York đều biết về điều đó. Nhưng những ông lớn kia không đến mà chỉ phái một đám tay sai đến thế thân.

Nét mặt của Obama thoáng hiện lên vẻ bất ngờ, lúc này ông mới nhận ra rằng dân ý, tổng thống, quy định hay cải cách, tất cả đều chẳng là cái thá gì trong mắt các ông lơn Phố Wall! Tổng thống vượt ngàn dặm xã xôi đến đây để lên giọng giáo huấn rằng Phố Wall quá "tham lam"? Vậy thì đừng trách các ông lớn nơi đây không giữ thể diện cho tổng thống!

Đến thì cũng đã đến rồi, Obama đã phải ngậm đắng nuốt cay tiến hành diễn thuyết, vốn định tự tay dằn mặt các ông lớn Phố Wall, ai dè lại bị họ chơi cho một vố.

"Hãy nghe rõ lời tôi nói, chúng ta sẽ không quay trở lại thời kỳ của sự liều lĩnh và thiếu tiết chế nữa, chúng chính là nguồn cơn gay ra khủng hoảng, có quá nhiều người bị mờ mắt trước ham muốn kiếm tiền nhanh chóng và các khoản tiền thưởng lớn."

Trong lòng Obama biết rất rõ rằng những lời nói như vậy nghe có vẻ khá "chói tai" ở Phố Wall, và chính vì ghét kiểu nói như vậy nên các ông lớn mới vắng mặt. Tuy nhiên, lòng tham của Phố Wall đang hủy hoại nên kinh tế Mỹ, nếu chính phủ dùng tiền thuế của người dân để trợ cấp cho Phố Wall thì thị trường tài chính sao có thể phục hồi? Nhận ơn mà không báo đã đành, thậm chí họ còn không có phép lịch sự tối thiểu nhất là tham dự buổi diễn thuyết của tổng thống. Sự ngạo mạn của Phố Wall thực khiến Obama vô cùng tức giận.

"(Thị trường tài chính) đang trở lại bình thường, và không có cho sự tự mãn... Thật không may, một số người trong ngành tài chính đã hiểu sai hiện trạng. Sự sụp đổ của Lehman Brothers và cuộc khủng hoảng tài chính mà chúng ta vẫn đang phải vật lộn dường như vẫn chưa khiến họ nhận được những bài học xứng đáng, và họ quyết định bỏ qua những bài học đó."

Các ông lớn Phố Wall rất phản cảm với tâm thế "vị cứu tinh" của tổng thống. Không có kinh phí vận động tranh cử của Phố Wall, Obama chỉ là một nghị sĩ ít tên tuổi. Chính các tài phiệt Phố Wall đã chỉ đường dẫn lối đưa Obama vào Nhà Trắng, vậy mà giờ đây ông còn tỏ vẻ như một vị cứu tinh! Ngay cả việc ai là vị cứu tinh của ai còn chưa rõ, vậy mà còn dám mò tới đây buông lời giáo huấn, thực quá đỗi vô lý!

"Nhìn chung, chúng tôi sẽ đề xuất những cải cách quản lý tài chính đầy tham vọng nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng những cải cách này dựa trên một nguyên tắc đơn giản: Chúng ta nên có các quy tắc rõ ràng về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể chắc chắn rằng thị trường sẽ khuyến khích các hành vi có trách nhiệm, không liều lĩnh; và chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng chúng ta khen thưởng những người hoàn toàn trung thực và nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, chứ không phải những người cố gắng lợi dụng các kẽ hở của quy định."

Obama dùng những lời lẽ cực kỳ thống thiết để mô tả kế hoạch cải cách tài chính của mình, đây là một trong hai thành tựu vĩ đại nhất mà ông muốn lưu vào sử sách. Trớ trêu thay, Phố Wall rõ ràng là chẳng mặn mà gì với những cải cách tài chính của ông, và càng phản cảm với nhưng quy định hạn chế lòng tham của các ông lớn.

Obama đã không gặp được các ông lớn Phố Wall, suy cho cùng kế hoạch cải cách rất cần sự tham gia và ủng hộ của họ. Vì vậy, vào ngày 14 tháng 12 năm 2009, tổng thống mời các nhà tài phiệt Phố Wall đến Nhà Trắng để họp bàn. Kết quả là một số nhân vật chủ chốt nhất của Phố Wall lại vắng mặt, với lý do sương mù ở Washington ngày hôm đó dày đặt và máy bay của họ đến từ New York gặp sự cố. Trên thực tế, họ hoàn toàn có thể bỏ ra 90 phút để đi tàu hỏa đến Washington, tức là chỉ lâu hơn 30 phút so với máy bay.

Có lẽ thời gian của các ông lớn thực sự rất quý giá, hoặc họ chỉ đơn giản là chẳng muốn nghe tổng thống nói. Dẫu sao thì những người cần đến cũng chẳng đến, tổng thống đành tiếp tục "tự biên tự diễn".

Tổng thống chẳng thể làm gì được Phố Wall, vậy thì Quốc hội có thể thông qua luật để khắc chế lòng tham của Phố Wall không?

Dự luật cải cách tài chính mà tổng thống và Quốc hội đã bận rộn nghị bàn suốt bấy lâu nay đã được ban hành: "Đạo luật Dodd-Frank". Đây được coi là dự luật cải cách tài chính toàn diện và nghiêm khắc nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái, và chắc chắn sẽ trở thành một cột mốc quan trọng trong quy định tài chính, ngang bằng với Đạo luật Glass-Steagall (Đạo luật Ngân hàng năm 1933).

*Trích "Chiến Tranh Tiền Tệ - phần 5, Song Hong Binh"

Nhận xét